Hiệu quả sau dồn đổi ruộng đất ở Thanh Ba

PTĐT - Xác định công tác dồn đổi ruộng đất (DĐRĐ) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Mô hình trồng cây dược liệu Ngưu Bàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại xã Đỗ Xuyên.

Mô hình trồng cây dược liệu Ngưu Bàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại xã Đỗ Xuyên.

PTĐT - Xác định công tác dồn đổi ruộng đất (DĐRĐ) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, những năm qua, huyện Thanh Ba đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/4/2016 của BTV Tỉnh ủy về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2020 được triển khai đã nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Nghị quyết được đánh giá là “cuộc cách mạng” làm thay đổi nhận thức, tư duy về quản lý, sử dụng đất đai, một chuyển biến tích cực trong quá trình thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trước đây.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp sau dồn đổi, huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp từ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp. Nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh của 3 tiểu vùng và sử dụng có hiệu quả quỹ đất sau dồn đổi, huyện đã tích cực xây dựng những vùng sản xuất lớn, khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các trang trại, gia trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó ưu tiên sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao hướng đến sản xuất hàng hóa...

Những mô hình cánh đồng mẫu lớn đang phát huy hiệu quả tại các xã: Lương Lỗ, Thanh Hà, Đỗ Xuyên.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Đến nay, tổng số xã thực hiện dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai 14/14 xã đạt 100% kế hoạch. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa như: Sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, mô hình nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi trang trại gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, huyện tích cực chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của từng xã, thị trấn; năng suất, sản lượng của hầu hết cây trồng, vật nuôi đều đạt và vượt so với cùng kỳ. Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau, đậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đưa nhanh các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, diện tích lúa chất lượng cao đạt 2.408ha, chiếm 40,1% diện tích; trong đó có 1.600ha có quy mô liền vùng từ 10ha trở lên, chủ yếu sản xuất bằng giống lúa chất lượng cao J02; diện tích gieo trồng rau màu trên 1.764ha. Diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng, đặc biệt là sản xuất chuối xuất khẩu trên 300ha; diện tích bưởi các loại 216ha… Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động các HTX. Toàn huyện có 33 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả như: HTX sản xuất rau an toàn Đỗ Xuyên, HTX chăn nuôi gà Đỗ Sơn, HTX sản xuất gai xanh Cường Thịnh, xã Hoàng Cương…

Để sản phẩm đầu ra có sự liên kết theo chuỗi sản xuất ổn định và bền vững, huyện đã chú trọng đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chỉ đạo các xã vận động nhân dân tiếp tục dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung theo hướng hàng hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong đó, mô hình J02 ở Lương Lỗ 200ha liên kết bao tiêu lúa giống với Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam. HTX sản xuất rau an toàn Đỗ Xuyên liên kết bao tiêu sản phẩm với người dân quy mô 20ha, trong đó 7ha liên kết với Công ty Pacific Việt Nam còn lại HTX liên kết với các siêu thị, trung tâm thương mại…Thời gian tới, đối với diện tích khu vực dồn đổi có quy mô lớn, tập trung, UBND huyện bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi đảm bảo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tăng cường mời gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Khuyến khích cơ sở và bà con nhân dân tự tìm tòi những cách làm hay, các giống cây trồng, vật nuôi điển hình phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất trên địa bàn.Việc sử dụng có hiệu quả vốn đất sau DĐRĐ gắn với tăng cường sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đã góp phần không nhỏ phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa và gắn với tiêu thụ, tạo thành chuỗi giá trị bền vững. Tin tưởng rằng các sản phẩm nông nghiệp của huyện sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202003/hieu-qua-sau-don-doi-ruong-dat-o-thanh-ba-169642