Hiệu quả số hóa trong cải cách hành chính

Số hóa hồ sơ trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) không chỉ giúp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của cơ quan hành chính Nhà nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC.

Công chức tư pháp - hộ tịch xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) thực hiện số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đã gần 1 năm nay, chị Phùng Thị Hải, công chức tư pháp - hộ tịch xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đã quen với việc nhập dữ liệu, scan giấy tờ chuyển lãnh đạo xã, phòng, ban của huyện giải quyết. Khi công dân đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã chỉ cần nhập dữ liệu và chờ kết quả. Với những thủ tục đơn giản trả kết quả trong ngày, trong buổi, những thủ tục cần có cơ quan chức năng giải quyết chỉ cần đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã. Người dân cũng có thể kiểm tra hồ sơ của mình đang giải quyết đến đâu qua hệ thống trực tuyến.

Chị Phùng Thị Hải cho biết: Thời gian đầu, việc số hóa hồ sơ TTHC tương đối khó khăn. Nhân viên vừa hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, thực hiện các công đoạn số hóa, vừa phải bảo đảm trả kết quả đúng hẹn trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác. Từ khi triển khai việc số hóa các dữ liệu của công dân việc giải quyết các thủ tục thuận tiện hơn. Người dân không phải lên huyện mà phần lớn đều được giải quyết ở xã. Tuy nhiên, tại cấp xã, do thiết bị máy móc chưa được hoàn thiện, đầy đủ nên khi có nhiều công dân đến cùng một lúc thì việc xử lý sẽ lâu hơn. Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Hương Nhượng hiện chỉ có 1 máy scan nên khi nhiều hồ sơ muốn xử lý cùng lúc sẽ khó. Mặt khác, hiện nhiều người dân chưa tiếp cận với công nghệ, nhất là người đã có tuổi nên hầu hết cán bộ tiếp nhận và trả kết quả của xã phải làm hộ cho công dân từ nhập dữ liệu, khai báo, gửi yêu cầu…

Đồng chí Bùi Văn Thảo, chuyên viên Văn phòng UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Số hóa hồ sơ TTHC không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn giảm áp lực cho cơ quan nhà nước. Có hồ sơ điện tử, việc tra cứu, tìm kiếm số liệu, dữ liệu đơn giản, dễ dàng hơn. Lưu trữ văn bản cũng không tốn kém. Đến nay, toàn huyện Lạc Sơn đã đạt gần 40% TTHC được số hóa, tập trung vào các lĩnh vực: điều kiện kinh doanh, thương binh xã hội, điện lực, an toàn thực phẩm, tài nguyên môi trường. Việc số hóa đã tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, nhất là việc tái sử dụng dữ liệu. Khi người dân đến giao dịch, tất cả giấy tờ cá nhân được lưu trữ. Từ lần thứ 2 trở đi, khi đến làm việc, những giấy tờ tùy thân đã được lưu trữ người dân không cần phải nộp lại, đây là những dữ liệu cơ bản của công dân khi đi thực hiện giao dịch với cơ quan Nhà nước.

Trong năm 2023, huyện Lạc Sơn sẽ thực hiện số hóa 80% TTHC. Có thể nói, lợi ích căn bản mà việc số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hành chính công là làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa cho doanh nghiệp, người dân phải đến trực tiếp cơ quan chính quyền khi thực hiện các TTHC. Thông qua hệ thống ý kiến góp ý, phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, quy trình nghiệp vụ... để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/175146/hieu-qua-so-hoa-tr111ng-cai-cach-hanh-chinh.htm