Hiệu quả thiết thực của mô hình 'Thư viện biên giới'

Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị phụ trách địa bàn 2 xã Hướng Việt và Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, dân số 726 hộ/3.426 khẩu, với trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Nhiều nơi, người dân sống ở vùng sâu, sát biên giới, xa trung tâm hành chính xã, vì thế, việc tìm sách báo, tài liệu để đọc rất khó khăn. Nhằm giúp người dân tiếp cận với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã xây dựng mô hình 'Thư viện biên giới' nhằm từng bước 'xóa đói' về thông tin cho người dân.

“Thư viện biên giới” được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống dân tộc Vân Kiều nên rất gần gũi với người dân mỗi khi đến đọc sách báo. Ảnh: Đào Mai

“Thư viện biên giới” được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống dân tộc Vân Kiều nên rất gần gũi với người dân mỗi khi đến đọc sách báo. Ảnh: Đào Mai

Hướng Việt và Hướng Lập là những địa phương còn khó khăn về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, trình độ dân trí không đồng đều, một số hủ tục không còn phù hợp với đời sống mới vẫn còn tồn tại. Mặt khác, do mưu sinh cuộc sống, người dân phải bám trụ trên nương rẫy cả ngày nên việc thường xuyên theo dõi tin tức trên các phương tiện thông tin có những hạn chế nhất định.

Ở những địa bàn vùng sâu, vùng biên giới, việc tìm được sách báo, tài liệu để đọc lại chẳng hề đơn giản, bởi vị trí địa lý xa xôi cách trở, cộng đồng dân cư sống không tập trung, nên rất khó đáp ứng nhu cầu đọc cho người dân. Mặt khác, nguồn cung sách, tài liệu cũng chưa đa dạng về chủng loại, số lượng đã ảnh hưởng nhiều đến mong muốn tìm hiểu của người dân trên vùng cao biên giới.

Với mong muốn kịp thời cập nhật thông tin, kiến thức thiết thực đến với người dân, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã xây dựng mô hình “Thư viện biên giới” đặt tại tổ công tác địa bàn thuộc thôn Xà Đưng, xã Hướng Việt. Sở dĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập chọn xây dựng thư viện ở tổ công tác địa bàn bởi tại trung tâm xã hay trụ sở đồn đều có phòng đọc với số bản sách báo, tài liệu khá dồi dào, song số lượng người dân đến mượn, đọc rất ít, nguyên nhân chủ yếu là những phòng đọc này chỉ mở cửa vào giờ hành chính, thời gian mà đa số người dân đều lên nương rẫy, ra đồng để lao động sản xuất, các cháu học sinh đến trường học tập nên hiệu quả của phòng đọc đem lại không cao.

Việc chọn vị trí xây dựng thư viện tại thôn Xà Đưng và giao cho tổ công tác địa bàn của đơn vị quản lý, tổ chức cho bà con đến mượn, đọc sách cũng đã được Ban Chỉ huy đồn nghiên cứu khá kỹ lưỡng từ thực tế bởi đây tập trung dân cư khá đông đúc và là vị trí khá thuận tiện cho người dân đến đọc và mượn sách, kể cả người dân của nước bạn Lào.

Thư viện xây dựng trên diện tích đất gần 500m2 do gia đình ông Hồ Viết Lơ, 50 tuổi và bà Hồ Thị Thanh, 48 tuổi, trú tại thôn Xà Đưng hiến tặng, trong đó, phần diện tích dành cho phòng đọc và nơi để sách có diện tích khoảng 60m2. Tổng thể thư viện được thiết kế xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Vân Kiều nên nhìn khá đẹp mắt và gần gũi với tâm lý của bà con dân bản.

Công trình được khởi công ngày 5/6/2022, với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng do nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing của bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tài trợ và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập đóng góp thêm trên 150 lượt ngày công để công trình hoàn thành vào ngày 20/12/2022. Hiện nay, thư viện đang có khoảng 300 bản sách, chủ yếu là sách pháp luật, sách văn hóa dân gian các dân tộc, sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cách phòng tránh một số dịch bệnh thường mắc phải ở người và trong cộng đồng dân cư, truyện tranh cho các em thiếu nhi và một số báo, tạp chí.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Lập sẵn sàng giải thích cho các cháu học sinh những vấn đề chưa hiểu mỗi khi các cháu đến thư viện đọc sách. Ảnh: Đào Mai

Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Lập sẵn sàng giải thích cho các cháu học sinh những vấn đề chưa hiểu mỗi khi các cháu đến thư viện đọc sách. Ảnh: Đào Mai

Anh Hồ Văn Trí, 23 tuổi, thôn Xà Đưng chia sẻ: “Từ khi có thư viện, lại được các anh, các chú Đồn Biên phòng Hướng Lập mở cửa thường xuyên nên mỗi tối, tôi thường đến thư viện để đọc sách báo, tìm hiểu các kiến thức mới về khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từ đó, áp dụng và truyền đạt cho anh em, bà con biết, làm theo và hỏi các anh ở tổ công tác những điều mình chưa hiểu. Các con tôi cũng vậy, chúng rất thích ghé thư viện của các chú bộ đội để đọc truyện tranh, truyện thiếu nhi”.

Để có nguồn sách phong phú phục vụ bà con, đơn vị đã cố gắng vận dụng mọi nguồn lực và liên hệ với các đơn vị và thư viện Biên phòng tỉnh để xin tăng cường thêm sách báo, nhờ đó mà thư viện được duy trì thường xuyên, đều đặn phục vụ bà con dân bản.

Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết: “Thư viện được xây dựng với mục đích giúp bà con nhân dân kịp thời nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỹ thuật canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, những cách làm hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế và các cháu học sinh trên địa bàn có điều kiện được đọc, tìm hiểu về những kiến thức cần thiết phục vụ cho học tập. Tuy nhiên hiện nay, số lượng và chủng loại, thể loại sách còn khiêm tốn nên chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, mong rằng các cấp, nhất là hệ thống thư viện địa phương cùng quan tâm để thư viện phát huy hơn nữa hiệu quả nâng cao nhận thức cho người dân”.

"Thư viện biên giới" của Đồn Biên phòng Hướng Lập bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực như đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt khẳng định: “Thư viện biên giới" do Đồn Biên phòng Hướng Lập xây dựng đã góp phần quan trọng trong quá trình nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân địa phương chúng tôi. Thông qua việc đọc sách, người dân tiếp thu được nhiều tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi, trồng trọt, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.

Đào Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-thiet-thuc-cua-mo-hinh-thu-vien-bien-gioi-post485179.html