Hiệu quả thiết thực từ một nghị quyết
Ngày 17-11-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp được đặc biệt quan tâm với các lĩnh vực: sản xuất, thủy lợi, đê điều; nghiên cứu chọn tạo giống nông nghiệp chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu; thực hiện chính sách xoay trục với ba nhóm sản phẩm chủ lực theo định hướng ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo…
Ngày 17-11-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp được đặc biệt quan tâm với các lĩnh vực: sản xuất, thủy lợi, đê điều; nghiên cứu chọn tạo giống nông nghiệp chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu; thực hiện chính sách xoay trục với ba nhóm sản phẩm chủ lực theo định hướng ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo…
Sau ba năm triển khai Nghị quyết, nhiều kết quả được ghi nhận. Cụ thể, cùng với định hướng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã chuyển diện tích lúa kém chất lượng, thường xuyên bị hạn mặn sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Giai đoạn 2017 - 2020, diện tích gieo trồng lúa của vùng giảm hơn 202 nghìn ha, còn 3,96 triệu ha. Năng suất lúa bình quân tăng từ 56,5 tạ/ha lên 60 tạ/ha năm 2020. Cơ cấu sản xuất giống lúa có sự chuyển dịch rõ rệt từ các giống chất lượng gạo trung bình sang giống chất lượng cao, giống lúa thơm cho giá trị kinh tế cao hơn. Công tác chọn tạo các bộ giống chất lượng cao cho ba nhóm ngành hàng chủ lực (thủy sản, trái cây, lúa gạo) cũng gặt hái nhiều thành công. Những thành tựu nổi bật đó đã đưa tốc độ tăng GDP nông nghiệp ÐBSCL giai đoạn 2017 - 2020 đạt hơn 3,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (đạt 2,89%/năm). Nông nghiệp ÐBSCL đóng góp khoảng 35% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và chiếm khoảng 33% GDP vùng. Ðà tăng trưởng cao của nông nghiệp ÐBSCL đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của cả nước. Thí dụ, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực toàn vùng đạt 8,5 tỷ USD (chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước).
Ba năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP cũng cho thấy nhiều thách thức mới xuất hiện đối với phát triển nông nghiệp của toàn vùng. Ðó là biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với kịch bản đã công bố năm 2016, với những đợt hạn mặn lịch sử, thời tiết cực đoan hơn, nước triều dâng cao hơn; mùa lũ gần như không còn, làm suy kiệt nguồn tài nguyên, thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái của đồng bằng… Ðặc biệt, xuất hiện trạng thái kiệt về nguồn nước trên diện rộng làm gia tăng sạt lở đất, hạ tầng ở một số nơi…
Chính vì vậy, thời gian tới, vấn đề quy hoạch tổng thể nông nghiệp ÐBSCL tiếp tục được đặt trên cơ sở nhìn nhận rõ những thách thức mới để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, theo hướng hiện đại hóa ngành nông nghiệp, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu. Muốn vậy, cần bảo đảm đủ nguồn lực về con người, tài chính, cơ chế chính sách để thực hiện các kế hoạch đã đề ra trong Nghị quyết 120/NQ-CP. Theo đó, kiện toàn Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sớm ban hành quy định liên kết vùng, xác định rõ lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp của từng vùng và yêu cầu các địa phương thực hiện đúng, trúng, không chạy theo nhu cầu ngắn hạn. Ðồng thời phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để phối hợp nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng mọi mặt của sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/hieu-qua-thiet-thuc-tu-mot-nghi-quyet-638274/