Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở Hải Lăng
Những năm qua, 'tín dụng chính sách xã hội' (TDCS) là cụm từ quen thuộc đối với nhiều người dân Hải Lăng, là một công cụ hữu hiệu của cấp ủy và chính quyền để thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của đối tượng chính sách tại địa phương.

Ngân hàng chính sách xã hội là “phao cứu sinh” cho vợ chồng anh Mai Văn T.
Sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Theo ông Lê Quang Lực (Giám đốc PGD NHCSXH huyện Hải Lăng), từ khi thành lập vào năm 2003 đến hết tháng 3/2025, tổng dư nợ hoạt động của NHCSXH huyện đạt hơn 654 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đã góp phần xóa nghèo cho hơn 5 nghìn hộ, xóa cận nghèo hơn 3 nghìn hộ. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 10 năm qua từ 10,73% xuống còn 3,74%, hộ cận nghèo từ 11,32% xuống còn 4,82%.
Đặc biệt, có gần 3 nghìn lao động thông qua nguồn vốn tạo việc làm, giúp kinh phí cho 258 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ngoài ra, còn trang trải chi phí học tập cho hơn 4 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 14 trường hợp chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định; xây dựng được gần 14 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng được 335 ngôi nhà cho các đối tượng hộ nghèo, 90 nhà ở xã hội.
Ông Cáp Xuân Tá - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho rằng, các chương trình TDCS đã góp phần cùng toàn huyện thực hiện thành công 14/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. TDCS đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng thôn xóm, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
“Cả hệ thống chính trị đều quyết tâm làm sao đó để không một ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó, ngày càng củng cố lòng tin của người dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước”. Ông Tá nói.

Ông Cáp Xuân Tá: “Phải làm sao đó để không một ai bị bỏ lại phía sau”
Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn huyện Hải Lăng đã xóa được 46 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó TDCS đã góp phần giúp 52 hộ thoát nghèo; 132 hộ thoát cận nghèo. Xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, điển hình như: nước mắm Mỹ An, bánh tét mặt trăng Đại An Khê, bánh lọc Huệ, ném Hải Dương, nước mắm Mỹ Thủy, ruốc bột bà Vầy, muối lạc rong biển, ngũ cốc Hải Linh, cam K4, tinh bột nghệ, muối đậu sả Phương Anh, nước súc miệng, tinh dầu tràm Bảo Ngọc…
Hiện thực ước mơ cho các đối tượng chính sách
Năm 2020, chị Nguyễn Thị Châu (thôn Phương Hải, xã Hải Ba) một mình gồng gánh nuôi con trai ăn học tại trường Đại học Nông Lâm Huế, sau đó được bình xét hộ cận nghèo. Chị được vay 50 triệu đồng, mục đích buôn bán hàng ăn. Ngoài ra, chị còn được tạo điều kiện vay thêm 10 triệu từ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên và 20 triệu đồng từ Chương trình vay nước sạch và vệ sinh nông thôn. Với tổng số tiền đó, chị Châu đã sử dụng một phần để trang trải chi phí học tập cho con, khoan cái giếng mới (trước đây chị đi xin nước nhà hàng xóm để dùng) và xây nhà vệ sinh và phần còn lại chị đầu tư vào việc trồng rau, nuôi gà và bán hàng rong để tạo thêm nguồn thu nhập.
Chị Châu xúc động chia sẻ: “Chương trình TDCS như là một luồng gió mới thổi vào cuộc sống của chị. Không chỉ là chuyện tiền bạc, mà đó còn là niềm tin vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, niềm tin rằng mình có thể thay đổi số phận.”

Chị Nguyễn Thị Châu bên chiếc xe bán thức ăn hằng ngày
Ông Mai Văn Vy, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đông Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng giới thiệu về xưởng mộc dân dụng của anh Mai Văn T - nơi đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 3 lao động. Điều đặc biệt, chủ xưởng mộc là người từng chấp hành án phạt tù 7 năm rưỡi do trước đó trót lầm lỡ, phạm tội về ma túy. Bây giờ, anh say sưa, chăm chỉ bên những chiếc máy cưa hoạt động hết công suất.
Anh T kể trong tiếng máy cưa rộn rã: “Cách đây 6 tháng, tôi được trở về với gia đình, cộng đồng trước thời hạn; chiếc “phao cứu sinh” xuất hiện, khi tôi được tiếp cận và được Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng cho vay 100 triệu đồng. Có số vốn này tôi quyết định mở xưởng mộc dân dụng tại địa phương. Do đã có nghề, bản thân tôi tự tin sử dụng toàn bộ số tiền vay được mua 1 máy cưa lớn, 14 máy cưa nhỏ, 3 máy bào. Bây giờ, cuộc sống đã tạm ổn.
Sở hữu 1 ngôi nhà đối với vợ chồng chị Phạm Thị Ba (Công nhân may Phong Phú) là cả một mơ ước. Vì chị còn phải nuôi ba người con ăn học, chồng chị không có việc làm ổn định, trong khi lương công nhân cũng không cao… Tuy nhiên, vào cuối năm 2022, chị được tiếp cận nguồn vốn vay từ Chương trình cho vay Nhà ở xã hội và được vay 350 triệu đồng, trả trong 15 năm, mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi là 3,4 triệu đồng. Đến nay, vợ chồng chị có căn nhà mới rộng rãi, vững chắc giúp chị yên tâm an cư và tập trung vào công việc.

Chồng chị Phạm Thị Ba vui mừng bên ngôi nhà mới
Ông Lê Quang Lực cho rằng: “Nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng nên quá trình tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời mới của những người từng lầm lỡ bây giờ không còn đơn độc. Những người chưa có nhà ở thì thực hiện được ước mơ “an cư lạc nghiệp” của mình”.
Thấu hiểu lòng người dân, tận tâm phục vụ
Trong những chuyến về cơ sở, người viết có dịp tận mắt gặp gỡ những đối tượng trước đây thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đã vươn lên khá giả bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, với “điểm tựa” là sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự hỗ trợ về tín dụng ưu đãi của NHCSXH.
Đằng sau kết quả đó là những bước chân xuôi ngược không biết mệt mỏi của những người cán bộ tín dụng, Tổ trưởng Tổ TK&VV, Trưởng thôn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp thường xuyên theo dõi, rà soát để bình xét công tâm, chính xác đối tượng phù hợp với từng Chương trình vay vốn; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ viên vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Cán bộ NHCSXH huyện Hải Lăng, cùng các ban ngành luôn gần gũi với người dân để hướng dẫn, hỗ trợ các chính sách tín dụng
“Sự quan tâm của Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, chất lượng ủy thác các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng được nâng cao. Chúng tôi xác định luôn phải thấu hiểu lòng dân, phải tận tâm phục vụ. Từ đó, Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp”, ông Lê Quang Lực khẳng định.