Hiệu quả to lớn từ phong trào 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo'

Những năm qua, phong trào 'lao động giỏi, lao động sáng tạo' phát triển mạnh ở từng phân xưởng, nhà máy, trở thành động lực giúp người lao động thể hiện tài năng sáng tạo. Qua đó, hàng ngàn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được công nhận, góp phần nâng cao sản xuất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

Kỹ sư Nguyễn Đình Vượng (bên trái, ngoài cùng), Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam luôn tận tình hướng dẫn cho đồng nghiệp về công việc

Hơn 3.200 sáng kiến trong năm

Chỉ tính riêng năm 2024, toàn tỉnh có hơn 3.200 sáng kiến được công nhận, với tổng giá trị làm lợi cho doanh nghiệp (DN) hơn 400 tỷ đồng. Trong đó, nhiều khu, cụm công nghiệp đưa phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” vào thi đua ngay từ đầu năm, tạo động lực cho đoàn viên, công nhân phát huy tối đa phẩm chất cần cù, sáng tạo của người lao động (NLĐ).

Chỉ riêng NLĐ trong Khu công nghiệp VSIP đã có hơn 600 sáng kiến tiêu biểu. Nhiều DN sản xuất các mặc hàng điện tử, may mặc, giày da, thực phẩm có đến hàng chục sáng kiến/năm, như: Công ty TNHH Apparel Far Eastern, Công ty TNHH Media Consumer Electric, Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, Công ty TNHH Tesselallation Bình Dương...

Chị Chu Thị Huệ, trưởng phòng cấp cao cắt, Công ty TNHH Apparel Far Eastern, người vừa được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tuyên dương trong Tháng Công nhân, chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên về may mặc xuất khẩu. Sau 15 năm gắn bó với công ty, bản thân tôi và đồng nghiệp có rất nhiều sáng kiến trong công việc. Bản thân tôi cũng có nhiều sáng kiến qua các năm, được ban lãnh đạo công ty và các cấp công đoàn tuyên dương. Năm 2024, sáng kiến “Giảm công đoạn đánh số cho hàng lululemon” của tôi được các cấp công nhận, với tổng giá trị làm lợi trên 1,6 tỷ đồng/năm”.

Theo chị Huệ, có được thành quả trên là nhờ ban lãnh đạo công ty, công đoàn cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua đến từng dây chuyền, sau đó có bộ phận giám sát, ghi nhận thành quả. Cùng với đó, các sáng kiến hiệu quả được công ty kịp thời tuyên dương, bổ nhiệm chức vụ, tương xứng với thành quả của NLĐ bỏ ra, nên ai cũng nỗ lực làm việc.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, áp dụng chế độ tương xứng cho các sáng kiến, sáng tạo, nên phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tại nhiều DN khác trong tỉnh đạt kết quả rất cao. Nhiều lao động ở Bình Dương được Tổng LĐLĐ Việt Nam vinh danh tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia” năm 2024. Trong đó, anh Nguyễn Đình Vượng, Phó phòng sản xuất Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, là một điển hình.

Là kỹ sư điện công nghiệp, trong suốt hơn 16 năm làm việc tại công ty, bản thân anh Vượng không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tế để đưa ra những sáng kiến tối ưu, áp dụng vào thực tế sản xuất. Bên cạnh truyền đạt kinh nghiệm cho đội ngũ lao động trẻ, bản thân anh mỗi năm ít nhất có 1 sáng kiến chất lượng cao. Gần đây nhất, anh Vượng đưa ra sáng kiến cải thiện giảm hàng lỗi, qua đó tiết kiệm được cho DN tiền vật tư khoảng 70.000 đô la Mỹ/năm. Cùng với đó, anh đề xuất ý tưởng tái sử dụng vật tư bằng cách xây dựng bản hướng dẫn tách vật tư cần sử dụng lại; xây dựng bản hướng dẫn kiểm tra; đào tạo công nhân thực hiện theo bảng hướng dẫn... tiết kiệm được tiền vật tư 1,6 tỷ đồng/năm.

Đưa phong trào phát triển bền vững

Để phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, mới đây LĐLĐ tỉnh tổ chức phát động Tháng Công nhân năm 2025 gắn với chủ đề: “Ngày hội lao động sáng tạo - công nhân Bình Dương tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”. “Ngày hội lao động sáng tạo” là dịp để biểu dương, tôn vinh các tập thể và cá nhân tiêu biểu có sáng kiến cải tiến, ứng dụng công nghệ mới, cải thiện năng suất, chất lượng trong lao động sản xuất. Đồng thời là dịp để tri ân, sẻ chia với những công nhân lao động còn khó khăn trong cuộc sống.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Bùi Thanh Nhân, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, nhấn mạnh: “Để Tháng Công nhân cũng như phong trào lao động sáng tạo ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh cần phối hợp với các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách đưa phong trào thi đua sáng tạo phát triển bền vững; đồng thời hỗ trợ tổ chức công đoàn phát hiện, kết nối, tôn vinh các gương sáng kiến tiêu biểu. Tăng cường phối hợp giữa công đoàn và DN, tạo điều kiện cho NLĐ phát triển toàn diện thông qua việc nâng cao tay nghề, cải thiện môi trường làm việc, ứng dụng công nghệ số, không ngừng xây dựng môi trường làm việc an toàn, chuyên nghiệp và sáng tạo, từ đó hình thành “văn hóa đổi mới sáng tạo” trong mỗi nhà máy, phân xưởng, từng vị trí lao động”.

Để phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngày càng lan tỏa sâu rộng, hiệu quả, hiện các cấp công đoàn trong tỉnh đang phát động, hưởng ứng tích cực phong trào “Bình dân học vụ số”. Điển hình tại TP.Bến Cát, LĐLĐ thành phố phối hợp với các ban, ngành và các khu công nghiệp tổ chức “xóa mù số toàn dân trong kỷ nguyên số” bằng cách “Đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”.

Theo ông Bùi Thanh Nhân, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, hiện tỉnh đang phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn lực lượng công nhân lao động Bình Dương sẽ đi đầu trong phong trào này, góp phần hình thành một quốc gia số, xã hội số, công dân số, trong đó có công nhân số Bình Dương, đặc biệt là công nhân biết ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất.

QUANG TÁM - THẢO NGUYÊN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hieu-qua-to-lon-tu-phong-trao-lao-dong-gioi-lao-dong-sang-tao--a347066.html