Hiệu quả trồng cây rau, màu vụ Xuân ở Lý Nhân
Phát huy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Lý Nhân đã chú trọng phát triển cây rau màu hàng hóa giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích cây màu vụ xuân năm 2023 của huyện chiếm gần 50% diện tích rau màu toàn tỉnh. Với giá trị ước đạt 80 đến 90 triệu đồng /ha/vụ, vụ xuân này, huyện Lý Nhân hy vọng năng suất cây trồng tăng, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác và thu nhập của nông dân.
Phát huy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Lý Nhân đã chú trọng phát triển cây rau màu hàng hóa giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích cây màu vụ xuân năm 2023 của huyện chiếm gần 50% diện tích rau màu toàn tỉnh. Với giá trị ước đạt 80 đến 90 triệu đồng /ha/vụ, vụ xuân này, huyện Lý Nhân hy vọng năng suất cây trồng tăng, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác và thu nhập của nông dân.
Giữ thế chủ lực cây trồng hàng hóa
Xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân từ lâu được coi là “vựa rau màu” của huyện. Với tổng diện tích đất nông nghiệp 1.251 mẫu, trong vụ xuân 2023, xã trồng 130 mẫu rau màu các loại. Mặc dù so với trước đây, số hộ trồng rau màu giảm một nửa, nhưng so với các địa phương khác, con số 500 hộ trồng màu của xã vẫn cao hơn rất nhiều. Ông Đinh Viết Cương, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Nghĩa cho biết: Bà con ở đây duy trì một số loại cây màu chính ở vụ xuân là dưa chuột bao tử, dưa nếp, ngô ngọt, ngô nếp. Riêng cây dưa có trên 200 hộ trồng với diện tích gần 50 mẫu. Cây ngô vẫn là cây chủ lực với diện tích 78 mẫu.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít, cây màu vụ xuân phát triển tốt, hứa hẹn năng suất cao. Một nông dân thôn 4 cho biết, nhà chị thuộc gia đình có nhiều diện tích trồng màu vụ xuân nhất, hơn một mẫu, trong đó chủ yếu là ngô ngọt và ngô nếp HN88. Với cây ngô, nông dân không phải chi phí nhiều, công chăm sóc ít hơn các cây trồng khác. Với hơn 9 sào ngô trồng luân canh, mỗi tuần trồng gối 3 sào/lần. Mỗi lứa ngô kéo dài từ 45-60 ngày và cho thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng/sào. Cứ thế quanh năm, cây ngô phát triển, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
So với cây ngô, cây dưa có vòng đời ngắn hơn, mỗi lứa từ 1 đến 1 tháng rưỡi, năng suất bình quân cho 2 tấn/sào. Với giá hiện tại đang bán tại ruộng là 12 đến 13 nghìn đồng/kg, mỗi sào bà con thu về 24 - 26 triệu đồng/vụ. Theo ông Đinh Viết Cương, vụ xuân này, ước tính thu nhập từ cây màu của toàn xã đạt 31-32 tỷ đồng. Ông Cương nói: “Không chỉ ở Nhân Nghĩa đâu, ở một số xã có diện tích rau màu vụ xuân cao, người ta vẫn duy trì thế mạnh các loại cây trồng chủ lực như dưa, ngô, rau đậu các loại, bởi đó là những cây ổn định năng suất, thị trường tiêu thụ. Nông dân cơ bản đã có kinh nghiệp, kỹ năng chăm sóc tốt nên năng suất vụ sau luôn cao hơn vụ trước nếu không bị tác động do thời tiết xấu.”
Về xã Chân Lý, diện tích trồng dưa chuột của bà con vụ xuân này được duy trì ở mức cao. Ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý cho rằng, với kinh nghiệm và truyền thống trồng rau màu, các hộ nông dân ở xã đã khai thác tốt lợi thế đất đai, thị trường tiêu thụ nên đảm bảo diện tích cây trồng vụ xuân theo kế hoạch”.
Làm màu, chỉ cần chăm chỉ là có tiền
Cả vụ xuân 2023, toàn huyện Lý Nhân trồng 2.100 ha cây màu, vượt 16,7% kế hoạch. Trong đó, cây ngô chiếm 915 ha, dưa chuột 145 ha, rau đậu các loại gần 700 ha, còn lại là lạc, đậu tương, khoai, hoa cảnh. Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết, so với các năm trước, diện tích cây màu vụ xuân thu hẹp hơn, nhưng người nông dân vẫn gắn bó với ruộng, bãi hoa màu. Thu nhập bình quân mỗi ha rau màu một vụ từ 80 đến 90 triệu đồng, nhiều nông dân có thể có của ăn của để từ đây.
Thực tế ở Nhân Nghĩa hay một số địa phương khác đã là vậy. Ông Nguyễn Hữu Trọng, thôn 4 Nhân Sơn, xã Nhân Nghĩa cho biết, nông dân ở đây nhờ cây màu mà nhà nào cũng để ra được tiền mua sắm, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn. Họ làm giàu từ đất nên bây giờ thanh niên trong làng học xong ra ngoài tìm kiếm việc làm, còn những người nông dân khó bỏ ruộng để tìm việc khác. Họ có tuổi, có tình yêu đồng ruộng nên ruộng vườn nào cũng có thể là “bờ xôi ruộng mật”, cho họ một cuộc sống lao động thoải mái, không hề thiếu thốn về vật chất. Làm màu, chỉ cần chăm chỉ là có tiền!
Vụ xuân này, Lý Nhân có 230 ha diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng do khó khăn khăn về nước, hoặc chân ruộng thuộc vùng trũng. Trong đó có 55 ha ngô, 25 ha bí, 110 ha dưa, 40 ha cây trồng khác. Vai trò của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tiếp tục phát huy trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm bón cây màu và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Nhiều nơi, sự linh hoạt, sáng tạo của HTX đã tạo điều kiện cho nông dân gặp thuận lợi trong sản xuất, điều tiết nước tưới, chủ động về giống, phân bón và thị trường như Nhân Nghĩa, Nhân Chính, Chân Lý…
Mặc dù, lực lượng lao động trong nông nghiệp hiện nay đang giảm dần, nhiều nơi thiếu nhân công lao động làm ruộng, nhưng với hoạt động hiệu quả từ các dịch vụ sản xuất nông nghiệp của các HTX, đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất đã khắc phục được những khó khăn này. Nhờ đó, Lý Nhân trong vụ xuân này không chỉ vượt kế hoạch về diện tích trồng màu mà còn thu hút, hấp dẫn nông dân tham gia sản xuất thực sự, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương.