Hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong 10 năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở tổ 13, thị trấn Na Hang là một trong những học viên được tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện theo quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Trước kia, anh Tuấn vốn làm nghề tự do nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2016, sau khi tham gia lớp học nghề nuôi trồng thủy sản do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, anh tự tin đầu tư mô hình nuôi cá trên lòng Hồ sinh thái Na Hang, đem lại thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/năm. Anh Tuấn cho rằng, trong trồng trọt, chăn nuôi nếu không nắm vững kỹ thuật thì rất khó thành công. Chính vì vậy, việc Nhà nước hỗ trợ mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn rất thiết thực, giúp người học có thể tìm được việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang mở lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân xã Thượng Nông.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang mở lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho người dân xã Thượng Nông.

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu xã hội và tình hình cụ thể ở địa phương. Đồng chí Hà Văn Lại, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang cho biết, thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Trung tâm đã đào tạo cho 2.381 người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn. Qua khảo sát, tỷ lệ học viên học xong áp dụng nghề đã học vào phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả đạt từ 80% trở lên.

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã triển khai đồng nhất cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2010 - 2019 tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép các chính sách hỗ trợ đào tạo từ các chương trình mục tiêu, đề án, dự án... của Trung ương, địa phương và sự đóng góp các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân để triển khai thực hiện đào tạo nghề với mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, xây dựng nông thôn mới... góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo được cho 74.403 người. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp: 4.453 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 69.950 người. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh cuối năm 2018 lên 54,46%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo nghề là 33,8%.

Theo đồng chí Lê Văn Háu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhờ thực hiện tốt các cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo nghề đã gắn kết với công tác giải quyết việc làm cho lao động. Từ đó, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững trên địa bàn, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; lựa chọn mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với từng địa phương; tăng cường giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/nguon-nhan-luc/hieu-qua-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-121480.html