Hiệu quả trong thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn
BHG - Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2023 đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, kỹ năng ứng dụng trong công tác quản lý, lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cán bộ, đảng viên và trong lao động sản xuất của người dân.
Theo Thông báo kết luận số 396-TB/TW, ngày 23-10-2010 của Ban Bí thư khóa X và Quy chế quản lý và sử dụng sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban Tuyên giáo Trung ương Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện Đề án. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã được tiếp nhận gần 800 đầu sách. Sau khi nhận được sách, các huyện, thành phố đều ban hành văn bản chỉ đạo về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và khai thác sách đạt hiệu quả cao. Anh Vàng Văn Thắng, Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Xín Mần, huyện Xín Mần cho biết: Từ khi được xây dựng tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND xã giúp cho các cán bộ được tiếp cận thuận lợi hơn với các tài liệu trong tủ sách. Qua đó, cập nhật kiến thức về pháp luật, những nghị định thông tư để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chuẩn, tiếp cận pháp luật và hòa giải cơ sở cho người dân.
Xã Phương Tiến huyện Vị Xuyên là một trong những địa phương có nhiều cách làm hiệu quả trong thực hiện Đề án đưa sách về cơ sở, xã, phường, thị trấn. Xã đã được tiếp nhận gần 400 đầu điểm sách các loại với nội dung phong phú, đa dạng cung cấp kiến thức, kỹ năng về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, về tư tưởng Hồ Chí Minh, kỹ năng quản lý, phổ biến chính sách pháp luật và các loại sách phổ biến kỹ thuật chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân tìm đọc. Để thường xuyên cập nhật những loại sách và văn bản luật mới chưa được cấp phát, xã Phương Tiến còn chủ động in thành các tập văn bản để cán bộ và nhân dân tiện theo dõi. Ông Cấn Văn Hiến, Phó chủ tịch xã Phương Tiến nhận định: Sau quá trình xây dựng tủ sách pháp luật trên địa bàn xã đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như các cán bộ công chức xã trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến pháp luật. Thời gian tới, xã sẽ duy trì và phát huy hiệu quả của tủ sách pháp luật cùng với đó, hướng dẫn người dân tra cứu, tìm hiểu những quy định của pháp luật đặc biệt về luật đất đai, hôn nhân gia đình,…
Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, việc tổ chức triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn còn một số hạn chế. Hà Giang là tỉnh miền núi, nhiều thôn nằm cách xa trung tâm xã nên nhân dân khó tiếp cận được sách của Đề án, hoặc chậm được tiếp cận; mặt khác cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng sách đều thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Đề án. Do đó, mong muốn Ban Bí thư tiếp tục duy trì Đề án, đồng thời tăng số lượng sách trang bị cho cơ sở xã, thị trấn; triển khai song hành sách giấy và sách điện tử; phát hành sách với nhiều thứ tiếng để phục vụ tốt hơn cho đồng bào các dân tộc thiểu số…
Dù trong cuộc sống còn nhiều bận rộn nhưng việc đọc sách vẫn là một nhu cầu cần thiết đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Điều này giúp nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức và hiểu biết. Việc tận dụng hiệu quả của các tủ sách tại cơ sở là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, mặt trận và tổ chức đoàn thể ở cấp xã. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả Đề án sách cần kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng sách trang bị cho địa phương. Đồng thời, cần thiết lập các tủ sách, không gian đọc sách thuận tiện, cũng như phân công cán bộ có trình độ nghiệp vụ để quản lý, khai thác, bảo quản và sử dụng sách, tài liệu một cách hiệu quả.