Hiệu quả trong triển khai chính sách đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Gia Lai đã triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu;... góp phần ổn định đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình , UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình ở 3 cấp; chủ động ban hành cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện chú trọng tính hiệu quả, không chạy theo thành tích, đặc biệt là nêu cao vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong tất cả các khâu. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch 556/KH-UBND ngày 12/3/2024, đưa ra mục tiêu 92% người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; về bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, phấn đấu giải quyết cho khoảng 50% số hộ DTTS thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất.
Từ năm 2022 đến năm 2024, tỉnh Gia Lai được phân bổ tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 là là 2.067,5 tỷ đồng; tổng nguồn vốn tỉnh đã phân bổ là 2.183 tỷ đồng. Đến đầu tháng 8/2024, tổng nguồn vốn ngân sách đã giải ngân là 1.072,1 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch vốn đã phân bổ. Theo đó, nguồn vốn ngân sách trung ương đã giải ngân được 933,1 tỷ đồng, đạt 48,7% kế hoạch vốn giao; nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 139 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch vốn giao.
Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 3.425 hộ (mỗi hộ được ngân sách trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4 triệu đồng và được vay thêm 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội); hỗ trợ đất ở cho 1.162 hộ (ngân sách trung ương hỗ trợ 44 triệu đồng, người dân được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng); hỗ trợ đất sản xuất cho 11.590 hộ (ngân sách trung ương hỗ trợ 22,5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi 77,5 triệu đồng) và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 6.463 hộ (ngân sách trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng và được vay vốn ưu đãi không quá 100 triệu đồng). Không chỉ giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở, đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS, nhiều địa phương ở Gia Lai còn triển khai hiệu quả các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do cho 840 hộ, trong đó có 450 hộ di cư tự do từ các tỉnh khác đến. Việc triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, Gia Lai đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời hạn chế tình trạng du canh du cư, phá rừng làm rẫy, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Cùng với đó, một trong những biện pháp hiệu quả được các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai tập trung triển khai là việc thực hiện chương trình cho vay chính sách cho người dân tộc thiểu số, giúp họ có nguồn vốn xây nhà ổn định và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng khuyến khích các địa phương và ngành chức năng tuyên truyền và hỗ trợ người dân vùng DTTS phát triển sản xuất và nâng cao đời sống thông qua việc sử dụng nguồn vốn từ Chương trình 135 và 134. Triển khai chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu, giai đoạn 1 (2021 - 2025) đã giải ngân hơn 49 tỷ đồng cho gần 1.000 hộ vay để chuyển đổi nghề, đất ở, đất sản xuất và xây nhà ở cho cộng đồng dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị tăng cường công tác quản lý, khai thác và bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống cấp nước sinh hoạt; hướng dẫn việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã có 285 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng, bao gồm 161 công trình cấp nước tự chảy và 124 công trình bơm dẫn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.554 hộ dân.
Việc triển khai Dự án 1 có ý nghĩa quan trọng đối với mọi người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hộ gia đình đang gặp khó khăn về đất đai, nhà ở, nước sạch, giúp họ vượt qua khó khăn, an tâm phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng đang gặp khó khăn trong thực hiện Dự án 1, đặc biệt là việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nhà ở do các địa phương không có quỹ đất và số tiền hỗ trợ thấp, không đủ để nhận chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất. Tỷ lệ giải ngân với việc hỗ trợ xây dựng nhà ở còn thấp do một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có giấy tờ đất là đất trồng cây lâu năm, không có tiền thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất; một số trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đủ điều kiện tách thửa; chưa đủ cơ sở pháp lý thực hiện, thời gian hoàn thiện thủ tục giấy tờ kéo dài dẫn đến chậm tiến độ.
Ngoài ra, do thiếu hiểu biết về pháp luật đất đai, tình trạng mua bán, sang nhượng, cho thuê đất sản xuất trong các thôn, làng đồng bào DTTS diễn ra phổ biến, khó kiểm soát khiến nhiều hộ gia đình bị lừa mất đất. Thiếu đất sản xuất, các hộ dân lâm vào cảnh nghèo đói, tạo gánh nặng cho địa phương, phát sinh tệ nạn xâm chiếm đất rừng làm nương rẫy.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2024, các sở, ngành và địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời, cần rà soát từng dự án để phân nhóm những dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.
Đối với các dự án do các sở ngành làm chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân, cần đẩy nhanh các thủ tục triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và dự án nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao trong năm 2024.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường công tác tuyên truyền và vận động để khuyến khích đồng bào phát huy nội lực, tự lực vươn lên thoát nghèo, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ chú trọng nâng cao công tác quản lý đất đai tại các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là tình trạng sang nhượng và cho thuê đất sản xuất trái phép.