Hiệu quả truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số
Xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), hàng năm, các cấp, ngành trong tỉnh đã tăng cường công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận trong việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số.
Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương tổ chức truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn huyện.
Ông Lê Bá Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Thời gian qua, chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị có thế mạnh về thông tin, tuyên truyền để đa dạng hóa các hình thức truyền thông; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng các chuyên trang, đăng tải các thông tin về nội dung dân số thu hút sự chú ý và tạo dư luận xã hội quan tâm; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số... Từ đó đã làm thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện KHHGĐ; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền lồng ghép các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số và phát triển.
Công tác truyền thông được tập trung vào các nội dung cụ thể như: Về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh; nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tổ chức các hoạt động về nội dung dân số và phát triển; nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, thảo luận... về dân số và phát triển, mất cân bằng giới tính khi sinh, người cao tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSS VTN), sàng lọc sơ sinh và trước sinh...; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ cho người cao tuổi, cho các phụ nữ không sinh con thứ 3; thực hiện Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD/KHHGĐ để nâng cao chất lượng dân số...; truyền thông vận động lồng ghép trong chiến dịch chăm sóc SKSS/SKTD/KHHGĐ/nâng cao chất lượng dân số... đến các vùng có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo...
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho VTN/thanh niên về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình, giới tính, bình đẳng giới, tầm soát bệnh tật bẩm sinh. Duy trì và từng bước mở rộng các tổ chức truyền thông các hình thức truyền thông và cán bộ truyền thông chuyên biệt dành cho VTN/thanh niên để thực hiện các hình thức giáo dục, về công tác dân số trong tình hình mới, truyền thông thân thiện như giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ, góc thân thiện, hoạt động ngoài giờ lên lớp, thi kiến thức, thi tìm hiểu về các sản phẩm truyền thông; lồng ghép truyền thông dân số vào các hoạt động cộng đồng như văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí của VTN/thanh niên; triển khai mô hình sinh hoạt ngoại khóa về kiến thức dân số, bình đẳng giới, chăm sóc SKSS VTN/thanh niên cho học sinh trong nhà trường tại các trường THPT; đội ngũ cộng tác viên dân số tuyên truyền tại các địa phương, vận động hàng ngàn cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các nhóm đối tượng; tuyên truyền, vận động hàng ngàn cặp vợ chồng ký cam kết không sinh con thứ 3 và không lựa chọn giới tính thai nhi; mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin, tư vấn về dân số và phát triển qua internet, các trang web, trang tin điện tử, mạng xã hội. Sản xuất các sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển để phục vụ truyền thông trực tiếp và cung cấp cho nhóm đối tượng đích, nhóm đối tượng có tác động mạnh đến sự chuyển đổi hành vi; chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp trong sản phẩm truyền thông dành cho nhóm dân số đặc thù, khó tiếp cận và các vùng khó khăn... Hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã cấp phát hàng ngàn cuốn Bản tin Dân số và phát triển đến các sở, ban, ngành, trung tâm y tế các huyện, thành phố làm tài liệu tuyên truyền; các xã, phường, thị trấn tổ chức hàng ngàn cuộc tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn, các khu dân cư... góp phần duy trì mức giảm sinh 0,1%o/năm; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh giảm còn 113 bé trai/100 bé gái...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác truyền thông dân số, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giảm sinh nhằm duy trì bền vững mức sinh thay thế; giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; từng bước thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phân vùng theo mức sinh, theo tỷ số giới tính khi sinh và theo chất lượng dân số để có nội dung và hình thức truyền thông phù hợp. Triển khai các chương trình truyền thông đặc thù về KHHGĐ cho nhóm đối tượng đặc thù như: vùng biển, vùng công giáo, vùng núi và vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác truyền thông: Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền lồng ghép công tác DS-KHHGĐ. Tập trung cho các xã khó khăn, vùng sâu, vùng có mức sinh và tỷ số giới tính khi sinh cao...; tập trung chỉ đạo, triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS để đạt chỉ tiêu chiến dịch đã đề ra. Triển khai đồng bộ các hoạt động của đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Đề án 818; công tác đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cán bộ...