Hiệu quả từ các chương trình, dự án do Canada tài trợ cho Sóc Trăng
Trong suốt 22 năm qua (2000 - 2022), Sóc Trăng là một trong những tỉnh đầu tiên nhận được sự hỗ trợ của Canada và là một trong số ít các tỉnh nhận được sự hỗ trợ liên tục trong một thời gian dài. Điều đó chứng minh mối quan hệ đối tác song phương rất tốt đẹp và thành công giữa Canada và tỉnh Sóc Trăng…
Theo ông Vương Thành Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng thông tin, từ năm 2000, tỉnh Sóc Trăng đã hưởng lợi từ 6 chương trình, dự án do Canada hỗ trợ, tài trợ thực hiện, trong đó trực tiếp hưởng lợi từ 3 chương trình, dự án với tổng ngân sách tài trợ hơn 23 triệu đôla Canada (CAD) gồm: Chương trình Giảm nghèo nông thôn Sóc Trăng (2000 - 2008); Dự án Nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi tỉnh Sóc Trăng (2006 - 2010); Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Sóc Trăng (2011 - 2021) và 3 dự án được thụ hưởng khác gồm: Dự án Quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam (VPEG); Dự án Đẩy mạnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (STEP) và Dự án Phát triển doanh nghiệp hợp tác xã (VCED).
Tất cả các chương trình, dự án do Canada hỗ trợ cho tỉnh Sóc Trăng đều được thực hiện và giải ngân hiệu quả, trách nhiệm, qua đó đã tạo ra những kết quả ấn tượng và bền vững, điển hình có thể kể đến là Hợp tác xã kiểu mới Evergrowth; mô hình luân canh tôm - lúa ST... Nhằm phát huy những thành quả đạt được từ Chương trình Giảm nghèo nông thôn do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ cũng như tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược giảm nghèo của tỉnh Sóc Trăng, trong khuôn khổ Chương trình tăng cường phân cấp, phân quyền nâng cao đời sống do CIDA tài trợ cho 2 tỉnh Sóc Trăng và Hà Tĩnh, dự án tại Sóc Trăng có tên chính thức là “Dự án Phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng”, được triển khai thực hiện từ tháng 6/2011 đến ngày 31/12/2021 trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Sóc Trăng, với tổng số vốn là 10,2 triệu CAD, trong đó Chính phủ Canada tài trợ 9,2 triệu CAD và vốn đối ứng của tỉnh Sóc Trăng là 1 triệu CAD (bằng tiền mặt và bằng hiện vật).
Theo đó, Dự án Phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng gồm 3 hợp phần: hợp phần 1 - xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển DNNVV của tỉnh; hợp phần 2 - phát triển công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV tại 18 xã, thị trấn được chọn; hợp phần 3 - xây dựng năng lực cho quản lý công trong việc hỗ trợ phát triển DNNVV. Nhìn tổng thể, hoạt động của dự án qua 10 năm (2011 - 2021) được đánh giá ở mức tốt. Hơn 11.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng lợi từ dự án, chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Ông Hồ Quang Cua - Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cho biết: "Hỗ trợ của dự án đã giúp tăng tầm vóc quan trọng của doanh nghiệp. Mặc dù vẫn là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nhưng trong ngành giống lúa, doanh nghiệp chúng tôi đã trở thành “sếu đầu đàn”. Dự án đã tạo sự thay đổi toàn diện cho doanh nghiệp, từ suy nghĩ, từ phương thức quản lý, thay đổi mọi thứ. Thay đổi mang tính bản chất và hết sức sâu sắc. Dự án tạo cơ hội cho doanh nghiệp tôi như “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”".
Còn theo lãnh đạo UBND xã An Thạnh 2 (huyện Cù Lao Dung) thì dự án đóng góp rất nhiều vào sự phát triển trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội của xã, làm tăng số lượng doanh nghiệp nhỏ từ 13 cơ sở (lúc dự án bắt đầu triển khai) lên đến 177 cơ sở như hiện tại. Về chất lượng, các cơ sở kinh doanh mở rộng quy mô, đầu tư thêm vốn và một số cơ sở mở thêm chi nhánh. Xếp loại xã từ mức trung bình của huyện nay đã trở thành xã nông thôn mới.
Ngoài những kết quả nêu trên, dự án còn đạt được một số thành tựu hết sức tự hào, gồm 1 kết quả hữu hình và 2 kết quả vô hình. Về hữu hình, dự án đã hỗ trợ hoàn thành và đưa vào sử dụng 29 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, gồm 16 công trình đường, 10 công trình cầu và đường, 2 công trình cầu và 1 công trình chợ tại 18 xã, thị trấn thuộc 5 huyện. Còn về thành tựu vô hình thì các văn bản chính sách, đề án, kế hoạch... liên quan đến phát triển DNNVV và kinh tế tập thể mà dự án đã hỗ trợ, tỉnh xây dựng, hoàn thiện, ban hành, đưa vào thực hiện và năng lực thể chế đã được cải thiện để hỗ trợ DNNVV. Để cải thiện năng lực cạnh tranh của các DNNVV một cách toàn diện, dự án đã hỗ trợ các cơ quan trong tỉnh cải thiện chất lượng dịch vụ công hỗ trợ phát triển kinh doanh, thử nghiệm các chương trình có tính sáng tạo cao cho DNNVV như Chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Chương trình tài trợ DNNVV sáng tạo, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp, người sản xuất và các tác nhân khác qua 2 chuỗi giá trị ưu tiên là gạo và hành tím, mô hình thí điểm ươm tạo DNNVV...
Nhờ các hỗ trợ này, mặc dù Sóc Trăng cũng như nhiều tỉnh khác vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của hạn, mặn, dịch COVID-19, cũng như diễn biến của thị trường nhưng số lượng DNNVV đăng ký mới vẫn tăng liên tục qua các năm. Các hỗ trợ của dự án được thực hiện một cách có tính hệ thống và mang tính chuyên nghiệp qua các năm. Ngoài ra, các hỗ trợ từ dự án đã có tác động tích cực tới nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường xung quanh và sức khỏe cộng đồng, điển hình là thông qua thực hiện một số mô hình sản xuất sạch hơn, tập huấn cho nông dân liên kết với doanh nghiệp trồng lúa và hành tím theo tiêu chuẩn GAP…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho rằng, dự án đã định hình rõ nét các thể chế, công cụ hỗ trợ doanh nghiệp và đã được thể chế hóa thành chính sách để tỉnh tiếp tục thực hiện; đồng thời, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh thông qua các kênh đối thoại. Đặc biệt, dự án đã cùng sở, ngành xây dựng lòng tin của doanh nghiệp, tạo dựng uy tín cho các sở, ngành tỉnh trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp… Dự án chính thức kết thúc trong tháng 6/2022, tuy nhiên tỉnh Sóc Trăng cam kết sẽ tiếp tục duy trì những thành quả mà dự án đã khởi xướng và tạo dựng trong thời gian qua.