Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hóa với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%
Theo Công ty Honda Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất xe máy hiện đã đạt 96% và với ô tô đạt 27%.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc mới đây, đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp đã có 3 nhà máy đang hoạt động tại Vĩnh Phúc, trong đó có 2 nhà máy sản xuất xe máy và 1 nhà máy sản xuất ô tô, với tổng diện tích 150.000 m2, công suất 1,75 triệu xe máy/năm và 35.000 xe ô tô/năm. Hiện tỷ lệ nội địa hóa đối với sản xuất xe máy tại Công ty Honda đã đạt 96% và với ô tô đạt 27%.
Đặc biệt, để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, công ty đã liên kết với 140 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, trong đó, có 100% linh kiện nhựa, cao su; 90% linh kiện kim loại; 80% linh kiện điện tử được cung ứng từ các công ty sản xuất trong nước và khoảng 20% linh kiện điện tử được mua thông qua các công ty thương mại.
Trong khi đó, với Công ty Toyota Việt Nam, hiện doanh nghiệp đã có 60 nhà cung cấp linh kiện, trong đó có 11 nhà cung cấp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 40%.
Theo thống kê của Sở Công Thương Vĩnh Phúc, đến nay, cả tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, trong đó có trên 70 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn; 4 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy hoàn chỉnh là Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Deawoo Bus, Công ty Piaggio Việt Nam - đây là các doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí, chế tạo nói chung và ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy nói riêng phát triển.
Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, điển hình là Quyết định số 3663/QĐ-UBND về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số tiền hỗ trợ trên 94,7 tỷ đồng.
Mục tiêu của Quyết định đến năm 2025, cả tỉnh Vĩnh Phúc có trên 50 doanh nghiệp lĩnh vực linh kiện phụ tùng đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu.