Hiệu quả từ các công trình phòng, chống hạn, mặn
Những ngày qua, nắng nóng kéo dài làm cho độ mặn của các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Long An tăng cao và ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng. Mặc dù tình hình diễn biến phức tạp nhưng nhờ địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu mùa khô và hệ thống các công trình thủy lợi ứng phó hạn, mặn được đầu tư đã phát huy hiệu quả, nguồn nước ngọt cơ bản bảo đảm đủ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất hiệu quả vụ Đông Xuân 2023-2024
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, mùa khô năm nay, mặn xâm nhập tuy không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 nhưng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Đầu tháng 12/2023, nước mặn bắt đầu xâm nhập vào các tuyến sông chính trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh - Trang Tấn Tài cho biết, để chủ động triển khai kịp thời các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với hạn, mặn mùa khô năm 2023-2024, góp phần chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Ngay từ đầu mùa khô, Trung tâm tập trung đánh giá thực trạng diễn biến tình hình hạn, xâm nhập mặn 3 năm gần đây; đánh giá hiện trạng và công tác quản lý vận hành các công trình thủy lợi của tỉnh; đồng thời, chủ động đề ra các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất.
Trung tâm tổ chức đấu thầu và thi công các công trình đã được bố trí nguồn vốn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Cùng với đó, Trung tâm tiến hành khảo sát khu vực có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để sớm đắp đập tạm ngăn mặn tại đầu các tuyến kênh ngang nối với sông, kênh trục bị nhiễm mặn, bảo đảm không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng.
Mặt khác, Trung tâm thường xuyên theo dõi, phối hợp Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 để đôn đốc tiến độ triển khai đắp các đập ngăn mặn kết hợp đê quay tại các cống: Trần Lệ Xuân, Bún Bà Của, kênh 1, kênh 2, rạch Cái Tôm và kênh 12; theo dõi, kiểm tra chất lượng thi công sửa chữa thay thế cửa van từ đóng mở tự động sang cưỡng bức tại 6 cống trên Đường tỉnh 827B, huyện Châu Thành (Bình Tâm, Kỳ Son, Tầm Vu, Chợ Giữa, Eo Đéc, Rạch Tràm).
Huyện Tân Trụ là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng hạn, mặn của tỉnh, bị thiếu nước tưới vào mùa khô, gây thiệt hại nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu trên địa bàn. Tuy nhiên, từ khi hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ được nâng cấp, tăng khả năng trữ nước, địa phương đã chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho khoảng 5.000ha lúa và khoảng 7.00ha rau màu vụ Đông Xuân 2023-2024.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết, những năm trước đây, vào mùa khô, nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương thường xuyên bị thiếu hụt, không đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu. Còn hiện nay, mặc dù cống Nhật Tảo đã đóng kín từ tháng 12/2023 đến nay để ngăn mặn nhưng các kênh nội đồng trên địa bàn vẫn bảo đảm nguồn nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện.
Ông Bùi Đức Lý (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Nhờ hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ mà những năm gần đây nguồn nước phục vụ sản xuất luôn bảo đảm, năng suất lúa vụ Đông Xuân năm sau cao hơn năm trước. Mấy năm gần đây, mọi người không còn lo lắng việc thiếu nước tưới, mặn xâm nhập vào mùa khô mà chủ yếu tập trung chăm sóc, quản lý sâu, bệnh để cây lúa đạt năng suất cao”.
Nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện Châu Thành xây dựng kế hoạch, lập dự toán, triển khai 10 danh mục công trình chống hạn vào mùa khô năm 2024 trên địa bàn các xã: Hòa Phú, Vĩnh Công, Hiệp Thạnh, Bình Quới, Phước Tân Hưng, Thanh Phú Long, An Lục Long, Long Trì, Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông với tổng chiều dài hơn 31km, kinh phí khoảng 8 tỉ đồng từ ngân sách của huyện.
Bên cạnh đó, huyện được tỉnh đầu tư nạo vét 6 danh mục công trình thủy lợi gồm kênh 7 Thước (xã Vĩnh Công), kênh Trạm bơm (xã Hòa Phú), rạch Tràm (xã Thanh Vĩnh Đông), rạch Sông Cui (xã Thuận Mỹ), kênh T2 (xã Long Trì) với chiều dài khoảng 28km, tổng nguồn vốn khoảng 20 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Khởi (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Mùa hạn, mặn năm nay, vườn thanh long 1,4ha của gia đình tôi có đủ nguồn nước tưới nhờ các kênh nội đồng trên địa bàn xã còn nguồn nước dồi dào. Đồng thời, gia đình tôi cũng ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm vào sản xuất để tiết kiệm tối đa nguồn nước”.
Tại huyện Thủ Thừa, từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đến nay, các cống đầu mối trên địa bàn huyện đã được đóng triệt để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Nguồn nước ngọt phục vụ diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân trong huyện được bảo đảm nhờ vào cống Cây Gáo 1 và cống rạch Đào. Từ khi 2 cống này được xây dựng trạm bơm và đưa vào vận hành, địa phương đã khắc phục được nước mặn xâm nhập lấn sâu vào nội đồng, không còn tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, bảo vệ được toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái nên người dân rất phấn khởi.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Lê Anh Tuấn cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, đơn vị bố trí nhân viên trực các cống đầu mối 24/24 giờ, đều đặn ngày 2 lần đo độ mặn, khi độ mặn dưới 1g/l thì mở cống lấy nước để tích trữ; độ mặn từ 1g/l trở lên thì đóng triệt cửa cống ngăn mặn.
Hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời gian tới, hiện tượng nắng nóng, nhiệt độ cao, xâm nhập mặn còn diễn ra rất phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến một số cây trồng như lúa, ổi, mít, đu đủ, chanh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin, mặc dù các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn, mặn ngay từ đầu mùa khô. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nên độ mặn xâm nhập sâu vào trong nội đồng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Đến nay, đã có khoảng 5.000ha chanh và cây ăn quả thiếu nước tưới, khả năng sẽ bị giảm năng suất, sản lượng. Trong đó, huyện Bến Lức có gần 1.500ha, huyện Thủ Thừa có gần 1.500ha, huyện Thạnh Hóa có hơn 1.000ha, huyện Tân Trụ có hơn 600ha, TP.Tân An và huyện Đức Hòa có hơn 80ha,…
Trước đó, từ đầu mùa khô, ngành Nông nghiệp đã xây dựng kịch bản với các phương án ứng phó cụ thể; đồng thời, phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật canh tác phù hợp trong điều kiện hạn, mặn, tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập sâu nội đồng.
Ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương trục vớt lục bình và nạo vét hệ thống kênh nội đồng để khơi thông dòng chảy, trữ nước ngọt; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi như sửa chữa cống, bọng, nạo vét kênh để bảo đảm tích trữ, điều tiết, cung cấp nước, hạn chế tình trạng rò rỉ, thất thoát nước. Đối với các khu vực không bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng hạn, mặn, hạn chế thiệt hại không đáng có.
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi phối hợp Trung tâm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến độ mặn và thường xuyên thông báo đến các cấp, các ngành có liên quan để thông tin đến người dân chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
“Trước tình hình hạn, mặn xảy ra phức tạp trong mùa khô 2023-2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn cấp độ 4. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí 157 tỉ đồng để tỉnh thực hiện phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và phục vụ dân sinh” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hieu-qua-tu-cac-cong-trinh-phong-chong-han-man-a175073.html