Hiệu quả từ các Đề án khuyến công địa phương
Hoạt động khuyến công đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT). Từ sự hỗ trợ của Đề án khuyến công (ĐAKC), nhiều mô hình CNNT ở các địa phương được hình thành và sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH công nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phan Minh Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN), Sở Công Thương cho biết: Thực hiện các ĐAKC địa phương năm 2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, mới đây, Trung tâm KC&TVPTCN đã tổ chức nghiệm thu 2 ĐAKC nội dung "Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất” tại huyện Tân Lạc và TP Hòa Bình. Theo đó, Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất tấm lợp tôn, cho hộ kinh doanh Nguyễn Quốc Huy tại xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) có tổng kinh phí thực hiện 541,9 triệu đồng (nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 260 triệu đồng và kinh phí tự bảo đảm của đơn vị thụ hưởng 281,9 triệu đồng). Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến cá thịt cho Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình), kinh phí thực hiện 626 triệu đồng (nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 290 triệu đồng, kinh phí tự bảo đảm của đơn vị thụ hưởng 336 triệu đồng). Máy móc, thiết bị được đầu tư mới 100%; sử dụng công nghệ tiên tiến đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả SX-KD cho cơ sở; tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Cả 2 đề án được thực hiện công khai và đảm bảo các điều kiện, hoàn thành đúng tiến độ thời gian; các chỉ tiêu của đề án đạt được theo đúng yêu cầu, nội dung đã đề ra, chấp thuận nghiệm thu hoàn thành.
Được tiếp nhận hỗ trợ từ ĐAKC địa phương, ông Nguyễn Quốc Huy, chủ cơ sở sản xuất tấm lợp tôn tại xã Nhân Mỹ chia sẻ: Cơ sở sản xuất của gia đình đi vào hoạt động hơn 10 năm với ngành nghề kinh doanh sản xuất tấm lợp tôn, vật liệu xây dựng, dịch vụ quảng cáo, in ấn, cơ khí. Nhận thấy nhu cầu thị trường gia tăng, đơn đặt hàng ngày một nhiều, nguồn cung cấp lại phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất khác, dẫn đến các cơ sở kinh doanh của gia đình nói riêng và các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn huyện nói chung không chủ động được chất lượng sản phẩm, giá cả và tiến độ giao hàng. Từ thực tế trên, tôi đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền máy cán sóng tôn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, việc đầu tư máy móc, thiết bị gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi được tiếp cận và nhận hỗ trợ từ ĐAKC, tôi rất phấn khởi, tự tin cho việc đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị các mặt hàng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của các đơn hàng.
Đồng chí Bùi Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết: Là xã khó khăn, các cơ sở SX-KD vừa và nhỏ có máy móc hiện đại tại địa phương còn rất hạn chế. Chính vì vậy, khi tiếp nhận đề án tại cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Quốc Huy, chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả của đề án đem lại rất thực tế. Phía chính quyền sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để cơ sở sản xuất đúng quy mô, đảm bảo năng suất. Cùng với đó sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất các thủ tục liên quan đến việc vận hành máy móc và đăng ký các sản phẩm từ cơ sở sản xuất…
Đối với Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến cá thịt, ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh cho biết: 11 năm qua, Công ty đã nỗ lực không ngừng để xây dựng, phát triển thương hiệu cá sông Đà. Từ năm 2012, công ty bắt đầu nuôi cá lồng trên sông Đà với quy mô 20 lồng. Đến nay đã phát triển được 250 lồng đạt tiêu chuẩn VietGAP ở vùng thượng lưu sông Đà, tổng sản lượng đạt khoảng 800 tấn. Các sản phẩm của công ty hiện không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong cả nước mà hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, công ty đã lên kế hoạch từng bước đầu tư nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc chế biến thủy sản có quy mô lớn. Nhận được sự hỗ trợ từ ĐAKC địa phương, Công ty đã đầu tư mua máy đánh vảy cá tự động. Với công suất, tính ưu việt của thiết bị hiện đại, đồng bộ cho năng suất cao, giúp đáp ứng số lượng đơn hàng ngày càng tăng, đảm bảo tiến độ thời gian cũng như chất lượng sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, tăng giá trị sản xuất.
Đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Các ĐAKC địa phương trong những năm qua và đặc biệt trong năm 2023 đã phát huy hiệu quả thiết thực, thực hiện đạt mục tiêu trọng tâm là: Động viên, khuyến khích và hỗ trợ kịp thời các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư ứng dụng máy móc vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở khác trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, cung cấp đa dạng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh...
Để tiếp tục "tiếp sức” cho các cơ sở CNNT, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ lựa chọn đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện hỗ trợ ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ưu tiên các cơ sở chế biến sâu, hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm "công nghiệp nông thôn” tiêu biểu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng… phát triển sản xuất, tham gia xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó sẽ chú trọng hỗ trợ "kép”, vừa mở rộng sản xuất, vừa phát triển thị trường cho các cơ sở CNNT tỉnh Hòa Bình.