Hiệu quả từ các mô hình kinh tế trang trại ở Lam Điền
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm gần đây xã Lam Điền (Chương Mỹ - Hà Nội) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại mang lại giá trị thu nhập cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để giúp xã Lam Điền sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.
Để tạo tiền đề trong xây dựng nông thôn mới, là một xã thuần nông của huyện Chương Mỹ, Lam Điền đã tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay toàn xã đã chuyển đổi được 294ha/547 ha đất trồng cây hàng năm sang các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả.
Toàn xã có 100 trang trại gà, 28 trang trại lợn, 649 trang trại lớn nhỏ, các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng. Để phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế trang trại, nhiều chủ trang trại trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng cây trồng, vật nuôi gắn với quy trình, kỹ thuật sản xuất an toàn dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học.
Nhiều hộ nuôi quy mô từ 1.000 đến 2.000 con lợn/lứa, từ 5.000 đến10.000 con gà/lứa… Các trang trại phát huy hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập bình quân 300 - 500 triệu đồng/ ha/năm…
Điển hình trong phát triển kinh tế trang trại tại xã Lam Điền phải kể đến mô hình của gia đình ông Đặng Văn Nam ở thôn Duyên Ứng. Với quy mô 8.000 con gà đẻ trứng, trang trại đã mang lại sự thay đổi trong cuộc sống của gia đình ông.
Ông Nam cho biết: "Từ năm 2013 khi xã thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình tôi mạnh dạn nhận thầu, đầu tư trang trại, phát triển chăn nuôi với lượng gà ban đầu chỉ khoảng 500 con. Để chăn nuôi có lãi, tôi đã tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, tham quan nhiều mô hình trang trại. Sau đó, tôi cùng gia đình cải tạo trang trại, trồng cây xanh, cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi… Dần dần gia đình tôi đã tăng lượng nuôi lên khoảng 8.000 con gà đẻ trứng kết hợp trồng bưởi Diễn. Nhờ đó, mỗi năm trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng”.
Từ phát triển kinh tế trang trại, trên địa bàn xã Lam Điền đã có nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Các mô hình kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng trong thu ngân sách của địa phương.
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lam Điền Đặng Tiến Dũng cho biết: Năm 2019 ước tổng giá trị kinh tế của xã đạt 545 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thu nhập từ trồng trọt dự kiến đạt hơn 45 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 48,6 tỷ đồng. Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các trang trại chăn nuôi đã góp phần đưa bình quân thu nhập đầu người toàn xã đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho xã Lam Điền thực hiện thành công chương trình nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-kinh-te-trang-trai-o-lam-dien-100820.html