Hiệu quả từ các nghị quyết về chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về DS-KHHGĐ như Nghị quyết số 06/2010/NQHĐND; Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND. Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch về DS-KHHGĐ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Chi cục trưởng Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Trương Hữu Thiện cho biết, năm 2010, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND về chính sách DSKHHGĐ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Sau 6 năm triển khai thực hiện, công tác DS-KHHGĐ đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, đặc biệt quy mô gia đình ít con dần được người dân chấp thuận.
Từ đó, các chỉ tiêu về chính sách dân số như: Tỉ suất sinh thô giảm bình quân hằng năm 0,42‰; tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên xuống còn 1,0%; tỉ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại từ 68% năm 2010 lên 75% trong năm 2016; tổng tỉ suất sinh giảm từ 2,86 con năm 2009 xuống còn 2,48 con trong năm 2016.
Đặc biệt, các chính sách của Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác dân số tại địa phương. Tổ chức bộ máy của ngành DS-KHHGĐ từng bước được kiện toàn; chính sách hỗ trợ thù lao và bảo hiểm y tế tự nguyện cho đội ngũ cộng tác viên dân số; các chính sách hỗ trợ can thiệp đặc thù của địa phương như: Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe KHHGĐ tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách khuyến khích mô hình làng không sinh con thứ 3 trở lên đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về quy mô gia đình 2 con.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của Nghị quyết số 06/2010/ NQ-HĐND, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND, ngày 29/7/2017 về chính sách DS-KHHGĐ giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Có thể nói, Nghị quyết số 11/ NQ-HĐND tỉnh đã được ban hành kịp thời và đúng vào thời điểm công tác DSKHHGĐ của cả nước nói chung, của tỉnh Quảng Trị nói riêng đang gặp nhiều khó khăn do chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 kết thúc và Chính phủ chưa ban hành chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020.
Trong khi đó, nhiều nội dung hoạt động theo chương trình mục tiêu trước đây bị cắt giảm. Do đó, ngay sau khi Nghị quyết số 11/2017/ NQ-HĐND được ban hành đã giải quyết được nhiều bất cập của công tác dân số ở địa phương. Hiệu quả mà Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND mang lại như: Tỉ suất sinh thô tiếp tục giảm bình quân trên 0,3‰/năm; tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức dưới 1%; tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh bình quân 40%/năm; tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt trên 25%/năm; tỉ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 40%/năm.
Cũng từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND, Sở Y tế tổ chức triển khai có hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và xã thuộc địa bàn khó khăn. Đặc biệt, các mô hình hoạt động cộng đồng được duy trì và nhân rộng như: Mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục được nhân rộng và phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh có 400 thôn, khu phố tổ chức phát động xây dựng mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, có 116 thôn, khu phố duy trì 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên; 70 thôn, khu phố duy trì 5 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên và được UBND tỉnh khen thưởng.
Các chương trình, đề án cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng dân số như: Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chương trình nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số…tiếp tục được triển khai đồng bộ và bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa sang dân số và phát triển.
Ngoài ra, các mô hình can thiệp đặc thù cũng được duy trì và nhân rộng như: Mô hình “Tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng” thu hút hơn 2.000 người cao tuổi tham gia tại 40 CLB “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” ở 20 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; thành lập và duy trì được 170 CLB “Tiền hôn nhân” với sự tham gia của gần 9.000 thanh niên và vị thành niên…
Để chủ động triển khai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND, ngày 23/7/2020 về Chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, giảm tỉ suất sinh thô 0,2‰/năm; giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên 1%/năm; tăng tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai 1,5%; ổn định tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1,0%.
Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND có các chính sách hỗ trợ công tác dân số thiết thực như khuyến khích xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn; thôn, tổ dân phố không có người sinh con thứ 3 trở lên; chính sách hỗ trợ cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ dân phố; hỗ trợ tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao; hỗ trợ chi phí dịch vụ DS-KHHGĐ; hỗ trợ hoạt động các đề án trong lĩnh vực dân số và phát triển; hỗ trợ hoạt động truyền thông dân số và phát triển, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp, cộng tác viên dân số nên kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực đối với công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh Quảng Trị trong những năm tới.