Hiệu quả từ chế phẩm sinh học

Con tôm là một trong những nguồn kinh tế chủ lực của người dân huyện Phú Tân. Hiện nay, nhiều hộ dân nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất trên cùng đơn vị diện tích, trong đó có việc sử dụng chế phẩm sinh học.

Hơn 2 năm qua, ông Lương Thế Tân, 66 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ, sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm trên phần đất gần 4 ha. Ông cho biết, mỗi năm ông đều thuốc cá, xử lý vôi rồi tiến hành thả tôm; mỗi lần thả từ 10-15 ngàn con sú giống đã qua dèo hầm đất từ 10-15 ngày. Ðịnh kỳ mỗi tháng, ông rải chế phẩm sinh học 2 lần. Tôm nuôi khoảng 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng từ 25-30 con/kg. Trung bình mỗi năm gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm QCCT sử dụng chế phẩm sinh học tại hộ ông Lương Thế Tân mang lại hiệu quả cao, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm QCCT sử dụng chế phẩm sinh học tại hộ ông Lương Thế Tân mang lại hiệu quả cao, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Tân chia sẻ: “Trước đây nuôi tôm theo kiểu truyền thống, hiệu quả thấp, tôm nuôi chậm phát triển, tôi chưa có kinh nghiệm nên thả nuôi với mật độ con giống rất cao. Nhờ được ngành chuyên môn tập huấn kiến thức cơ bản, tôi áp dụng, nuôi tôm hiệu quả hơn so với trước”. Bên cạnh đó, mỗi năm ông Tân thả nuôi cua 2 đợt, thu nhập trên 120 triệu đồng.

Với ông Lâm Thanh Hòa, 66 tuổi, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, thì hơn 3 năm qua thực hiện mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn có sử dụng chế phẩm sinh học. Với diện tích 1,3 ha, mỗi tháng ông Hòa thả từ 5-10 ngàn con tôm giống theo hình thức gối đầu, khi tôm đạt từ 30-45 con/kg là thu hoạch.

Ông Hòa cho biết: “Ðể tôm có thức ăn tự nhiên, tôi phát cỏ trên bờ vuông, sau đó phơi khô, thả xuống vuông. Ðây là khâu quan trọng trong quy trình nuôi tôm QCCT, mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Với kỹ thuật đơn giản này, chẳng những tôm có thức ăn mà còn đảm bảo tốt môi trường nước trong vuông nuôi. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 180 triệu đồng.

Thời gian qua, quy trình nuôi tôm truyền thống của bà con chưa đúng kỹ thuật, không ít hộ dân đã sử dụng chất cấm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Với kỹ thuật nuôi tôm QCCT sử dụng chế phẩm sinh học như hiện nay, tái tạo lại tự nhiên là chủ yếu, nguồn thức ăn cho tôm từ rong, cỏ phân hủy nên góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ðến nay, huyện Phú Tân có trên 27.150 ha tôm nuôi QCCT, năng suất bình quân mỗi vụ 600 kg/ha, nhiều bà con có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi ha/vụ.

Phương thức nuôi tôm QCCT sử dụng chế phẩm sinh học không đòi hỏi cao về kỹ thuật, vốn liếng, đồng thời không làm suy thoái vùng nuôi, cho hiệu quả kinh tế khá và bền vững nên cần được nhân rộng./.

Anh Phan

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hieu-qua-tu-che-pham-sinh-hoc-a31532.html