Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 812 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động của các HTX ngày càng phát triển đa dạng về hình thức và quy mô, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các xã viên và nông dân trên địa bàn. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ, các chính sách hỗ trợ đã tạo thêm động lực, điều kiện để HTX nông nghiệp đa dạng mục tiêu sản xuất, phát triển những mô hình hiệu quả cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường.
Chế biến, đóng bao sản phẩm trà xanh túi lọc - 1 trong 4 sản phẩm OCOP của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn.
Được thiên nhiên ưu đãi từ thổ nhưỡng tới khí hậu, sản phẩm chè Bình Sơn (Triệu Sơn) chỉ bắt đầu “có tiếng” trên thị trường khi HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn phát huy vai trò. Cùng với việc hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác và phát triển 10 ha chè đạt chứng nhận VietGAP, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã xây dựng thành công 4 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao, gồm: chè búp, trà xanh túi lọc, trà cà gai leo đồi rừng và sản phẩm mật ong.
Ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, cho biết: “Cùng với sự nỗ lực của HTX thì những cơ chế, chính sách hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP có vai trò quan trọng. Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã được các cấp, ngành từ huyện, tỉnh đến Trung ương tạo điều kiện tham dự nhiều hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Từ đó, đưa thương hiệu, sản phẩm của HTX nhanh chóng lan tỏa ra phạm vi toàn quốc. Hiện nay, sản lượng tiêu thụ hàng năm của HTX đạt 45 tấn chè khô/năm cùng nhiều sản phẩm khác, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập nhờ cây chè”. Đầu năm 2022, từ nguồn hỗ trợ của chương trình khuyến công địa phương, HTX này được đầu tư 1 máy sấy chè trị giá 600 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của HTX là 50%, qua đó nhằm tiếp tục nâng cao sản lượng chế biến cũng như chất lượng các sản phẩm.
HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) cũng là một trong những đơn vị được thụ hưởng nhiều chính sách lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển nông thôn mới để phát triển sản xuất. Điển hình như năm 2021, đơn vị này được thụ hưởng hỗ trợ 650 triệu đồng (HTX đối ứng thêm 176 triệu đồng) để mua máy gặt đập liên hợp từ Đề án 3241/QĐ-UBND (Đề án 3241) ban hành ngày 23-8-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. 2 thành viên của HTX cũng được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với lãi suất ưu đãi chỉ 0,42%/tháng, trả gốc phân kỳ để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ từ ngân sách xã để thay thế 4 máy bơm phục vụ tưới tiêu.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc, cho biết: Các chính sách hỗ trợ đã giúp HTX có thêm máy móc, trang thiết bị đảm nhận tốt nhiệm vụ tưới tiêu, dịch vụ cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ cho 239 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời cung ứng thêm dịch vụ làm đất, mạ khay, máy cấy cho các địa phương lân cận để tăng doanh thu. HTX cũng đang thuê thêm đất bị bỏ hoang để cải tạo, liên kết sản xuất lúa với Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng; đồng thời xây dựng sản phẩm gạo Hạt Ngọc 9 làm sản phẩm OCOP. Hiện nay, doanh thu hàng năm của HTX đạt 2 - 3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, ngoài chương trình hỗ trợ vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX do Liên minh HTX chủ trì, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển HTX được lồng ghép trong rất nhiều đề án. Điển hình như tại Đề án 3241, tổng nguồn vốn hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 lên tới hơn 459 tỷ đồng. Trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho lĩnh vực nông nghiệp, như: hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; hỗ trợ các HTX nông nghiệp được thuê đất xây dựng trụ sở, tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Hiện nay, Liên minh HTX đang tích cực tuyên truyền, đồng thời hướng dẫn các HTX đổi mới sản xuất, xây dựng phương án khả thi để đủ điều kiện tiếp cận, thụ hưởng chính sách, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.