Hiệu quả từ chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'
Sau gần 3 năm thực hiện chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), bước đầu Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, có 69 sản phẩm OCOP (đứng thứ 10 cả nước).
Một phiên họp của Hội đồng xét chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Sau gần 3 năm thực hiện chương trình này, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Đã có 69 sản phẩm OCOP được công nhận, đứng thứ 10 cả nước (đạt 147,5% kế hoạch). Các sản phẩm chủ yếu thuộc 4 nhóm ngành: thực phẩm, đồ uống, thủ công, mỹ nghệ, thảo dược được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Hiện đã đề nghị với Trung ương xét công nhận 5 sao cho 2 sản phẩm: Nước mắm và mắm tôm Lê Gia.
Có được kết quả trên là sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là Tổ giúp việc Hội đồng cấp tỉnh đã bám sát cơ sở khảo sát, hướng dẫn các đơn vị tiến hành đánh giá xếp hạng theo tiêu chí quy định trình Hội đồng đánh giá. Năm 2019 và 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn về dịch Covid-19 nhưng Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức, tham quan học tập kinh nghiệm cho các học viên từ huyện đến xã về chương trình OCOP. Đồng thời chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ Trung ương và địa phương, xây dựng các điểm trưng bày và bán sản phẩm ở một số huyện, thị, thành phố, VCCI, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở KH&CN để người tiêu dùng tiếp cận mua sản phẩm thuận lợi. Qua đó kết nối giao thương với các huyện, tỉnh bạn về chương trình OCOP. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã được cung ứng ra thị trường nước ngoài như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu sang thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu sang Thụy Sĩ, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ của Công ty Việt Anh xuất khẩu sang Hoa Kỳ; các sản phẩm đá mỹ nghệ, thảo dược xuất khẩu sang các nước Nhật, Trung Quốc,...
Khách hàng mua sản phẩm OCOP huyện Triệu Sơn tại Hội chợ triển lãm KT-XH tỉnh Thanh Hóa năm 2020.
Theo ông Bùi Công Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh: Trong thực hiện chương trình OCOP Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách. Theo đó, cấp tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm, hoàn thiện hồ sơ, đánh giá xếp hạng sản phẩm cho chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP... Cấp huyện lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ, phát triển sản xuất thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu, huyện Triệu Sơn hỗ trợ 150 triệu đồng/sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP; các huyện: Nga Sơn, Đông Sơn, Nông Cống hỗ trợ từ 35 - 70 triệu đồng/1.000 m2; TP Thanh Hóa hỗ trợ 50 triệu đồng/ sản phẩm...
Chương trình OCOP Thanh Hóa ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Chương trình đã tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất và khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác phát huy được giá trị tiềm năng của các làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền. Từ đó tạo được nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, góp phần hiệu quả trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM.