Hiệu quả từ đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước đưa tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội trong thực hiện bình đẳng giới.

Người dân xã Đào Viên, huyện Tràng Định được phát tờ rơi, tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ

Người dân xã Đào Viên, huyện Tràng Định được phát tờ rơi, tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ

Ngày 17/1/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13 về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Sau khi triển khai, đề án đã mang lại hiệu quả và làm giảm tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch số 13, ngày 4/5/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 106 về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tiếp tục khống chế và giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh từ 0,6 đến 0,7 điểm %/năm, phấn đấu đưa tỷ số này đạt dưới 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2025, tiến tới đạt 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030.

Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2022 - 2025, chi cục đã tham mưu Sở Y tế ban hành các kế hoạch về việc triển khai các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới như: truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về hệ lụy của mất cân bằng giới; xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở về kỹ năng truyền thông, tư vấn về kiểm soát mất cân bằng giới; phối hợp với các nhà trường đưa nội dung về mất cân bằng giới tính vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa…

Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn đăng tải trên 100 phóng sự, tin, bài, ảnh về nội dung giảm thiểu mất cân bằng giới tính; phối hợp với các trường THPT, THCS trên địa bàn các huyện, thành phố tổ chức được 12 buổi ngoại khóa tuyên truyền với trên 7.200 lượt học sinh nghe về bình đẳng giới; các huyện, thành phố đã tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền lồng ghép tại các buổi tiêm chủng tại trạm y tế xã được 450 buổi cho gần 6.800 lượt người nghe… năm 2023, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị biểu dương gia đình tiêu biểu sinh hai con một bề là gái, thu hút trên 100 người tham dự.

Nổi bật trong thực hiện đề án là việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 200 CLB tại 200 xã, phường, thị trấn, với hơn 8.400 thành viên tham gia. Các CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng để truyền thông về thực trạng và hệ lụy của mất cân bằng giới. Chị Lê Thị Ái, Chủ nhiệm CLB Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng cho biết: CLB được thành lập từ năm 2017 với 40 thành viên. Hằng tháng, chúng tôi tổ chức sinh hoạt 1 lần để cập nhật tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn, đồng thời phổ biến các quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, bên cạnh đó là biểu dương phụ nữ và gia đình sinh con một bề là gái thành đạt, hạnh phúc.

Bằng các giải pháp trên, người dân dần nâng cao nhận thức về việc lựa chọn giới tính thai nhi. Chị Bàn Thị Vinh, thôn Khuổi Luông, xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia cho biết: Vợ chồng tôi sinh được 2 con gái lần lượt sinh năm 2008 và 2010. Vì có 2 con gái nên vợ chồng tôi cũng có ý định phấn đấu đẻ thêm 1 con trai. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ dân số tuyên truyền và vợ chồng tôi cân nhắc kỹ thì thấy rằng con trai hay con gái không quan trọng, miễn sao các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, trở thành người có ích cho xã hội, có hiếu với cha mẹ là tốt rồi và vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã góp phần từng bước kiểm soát tỷ số chênh lệch giới tính trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 113,4 bé trai/100 bé gái (giảm 0,6 điểm % so với năm 2022), 6 tháng đầu năm 2024 là 113,1 bé trai/100 bé gái (giảm 1,1 điểm % so với cùng kỳ năm 2023).

Thời gian tới, ngành dân số tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, trong đó tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hành vi của người dân; đặc biệt là các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các cơ sở y tế thực hiện dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi...; phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số về mức cân bằng tự nhiên (từ 104 đến 106 bé trai/100 bé gái).

DƯƠNG KIM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hieu-qua-tu-de-an-kiem-soat-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-5017398.html