Hiệu quả từ điểm giao dịch xã
Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kế Sách luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể đưa các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị về phục vụ ngay tại điểm giao dịch xã, thị trấn thông qua hoạt động của tổ giao dịch nhằm hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận thuận lợi nguồn vốn tín dụng chính sách.
Chúng tôi có mặt tại Điểm giao dịch xã An Lạc Tây (Kế Sách) đúng ngay ngày họp giao ban, ai nấy đều bận rộn với công việc được giao. Mỗi buổi đi giao dịch lưu động, Tổ giao dịch xã chuẩn bị cẩn thận, chu đáo mọi thủ tục, phương tiện cần thiết cho một ngày giao dịch chính xác, hiệu quả, như: máy tính được cài đặt sẵn các chương trình, máy in, máy đếm tiền và các công cụ hỗ trợ khác. Anh Nguyễn Trí Linh - Tổ trưởng Tổ giao dịch xã An Lạc Tây cho biết: “Điểm giao dịch cố định của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách tại xã An Lạc Tây diễn ra vào ngày 13 hàng tháng. Theo quy định, bất kể ngày nghỉ hay ngày lễ chúng tôi đều có mặt tại điểm giao dịch để thực hiện công việc giải ngân, thu nợ, thu lãi cùng các nghiệp vụ khác theo quy định của ngành”.
Thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đã củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cho người dân. Đồng thời, chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các mô hình, dự án phát triển kinh tế, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách, chị Nguyễn Thị Như Thủy, ấp An Hòa, xã An Lạc Tây phấn khởi cho biết, với nguồn vốn vay ưu đãi nêu trên, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình kinh doanh mua bán tạp hóa tại chợ xã, qua đó đã giúp gia đình ổn định cuộc sống và phát triển kinh doanh mua bán ngày càng hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Tám Út - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp An Phú, xã An Lạc Tây bộc bạch: “Xã An Lạc Tây cách trung tâm huyện hơn 12km do đó việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn. Điểm giao dịch xã đã giúp bà con không cần phải đến giao dịch tại NHCSXH huyện, qua đó tiết kiệm được thời gian đi lại và an toàn”.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách hiện đang thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ trên 337 tỉ đồng, với hơn 20.580 hộ vay vốn. Toàn huyện Kế Sách có 13 xã, thị trấn. Riêng trên địa bàn xã An Lạc Tây hiện có 21 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ trên 20,1 tỉ đồng, với tổng số 1.065 hộ còn dư nợ. Đặc biệt, đây là địa phương không còn nợ quá hạn. Đồng chí Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch UBND xã An Lạc Tây cho biết, từ khi NHCSXH triển khai điểm giao dịch tại xã đã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Thông qua hoạt động này, nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn chính sách, có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.
Đồng chí Đỗ Long Thảo - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách cho biết, điểm giao dịch về tận cơ sở xã, thị trấn đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận thuận lợi, trực tiếp với nguồn vốn vay. Kể từ đó, dù ngày nắng, ngày mưa, ngày nghỉ hay ngày lễ, nơi nào có hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác cần vay vốn ưu đãi để sản xuất thì ở nơi đó có “dấu chân” của những cán bộ NHCSXH. “Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh chính sách, quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu. Nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng các cấp, ngành và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện” - đồng chí Đỗ Long Thảo cho biết thêm.