Hiệu quả từ Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ
Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh giai đoạn 2017 - 2024 thúc đẩy xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông sản, đem lại sự chuyển biến về tư duy sản xuất cho người dân và đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.
Dự án CSSP tỉnh sử dụng vốn vay Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD). Dự án gồm 4 hợp phần và 7 tiểu hợp phần, trong đó tiểu hợp phần 1.1 kế hoạch đầu tư chiến lược do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì được triển khai trên địa bàn 30 xã thuộc 3 huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An.
Giám đốc Ban điều phối Dự án CSSP tỉnh Vũ Thị Hồng Thúy cho biết: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị thực thi, ban quản lý điều hành dự án và sự đồng lòng của cộng đồng nhân dân, đến nay dự án đã thực hiện gần 95% tổng mức đầu tư và đạt được cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Có 23.000 người được tiếp cận các hoạt động dự án; gần 13.000 hộ được hưởng lợi với hơn 57.000 thành viên; tỷ lệ giảm nghèo đạt 35%, vượt chỉ tiêu dự án 10%.
Trong giai đoạn 2017 - 2024, Dự án CSSP tỉnh hỗ trợ hoàn thiện 5 kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị (SIP) dựa trên ngành hàng là các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, gồm: lợn đen, bò Mông, dong riềng, gừng hàng hóa và lúa gạo chất lượng cao; 8 bản kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị (VCAP) cấp huyện và 53 bản VCAP cấp xã được xây dựng, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Hỗ trợ thành lập 678 tổ hợp tác, trong đó có 644 tổ được nhận tài trợ 43,5 tỷ đồng; 120 tổ có liên kết với 6 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo chuỗi giá trị; thành lập 322 nhóm tiết kiệm tín dụng cho đối tượng phụ nữ nghèo mong muốn tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng dành cho Quỹ Phụ nữ phát triển; đầu tư 188 công trình hạ tầng cơ sở đưa vào sử dụng phục vụ các chuỗi giá trị...
Các huyện trong vùng dự án triển khai phân bổ, lồng ghép sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong việc thực hiện các SIP, VCAP. Đến ngày 30/4/2024, tỉnh giải ngân 18,8 triệu USD trong số 21,25 triệu USD đến từ khoản vay ban đầu của IFAD (đạt 88,3% khoản vay IFAD); thẩm định, phê duyệt 611 dự án, trong đó gồm 85 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 526 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm được áp dụng đồng bộ tại 161/161 xã, phường, thị trấn của tỉnh.
Huyện Nguyên Bình là một trong những địa phương thực hiện thí điểm thể chế hóa các SIP, VCAP hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 14 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao, gồm: 2 sản phẩm chiếu trúc đạt 4 sao, 5 sản phẩm miến dong, 2 sản phẩm thanh long, 3 sản phẩm chuỗi giá trị chè, 1 sản phẩm mật ong, 1 sản phẩm lê. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình Hoàng Thị Hòa cho biết: Huyện tập trung tuyên truyền cho người dân về nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực nhằm hoàn thiện VCAP cấp huyện.
Hoạt động của Quỹ IFAD không chỉ nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các hợp tác xã, doanh nghiệp mà còn vận động chính sách với các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất. Điển hình như Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á được phê duyệt tài trợ tiểu Dự án IFAD về đổi mới công nghệ sản xuất từ tháng 9/2020. Đến nay nghiệm thu và giải ngân 3,6 tỷ đồng, trong đó tài trợ từ Quỹ IFAD là 1,3 tỷ đồng; nguồn đối ứng từ hợp tác xã 2,3 tỷ đồng với các hạng mục đầu tư chính gồm: hệ thống giàn phơi, mái che sân phơi, phòng sấy miến và bột dong... Nhờ đổi mới công nghệ sản xuất, hợp tác xã tăng năng suất lên gấp 3 lần, đồng thời giảm chi phí về nhân công. Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á phấn đấu nâng cấp chất lượng sản phẩm miến dong từ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao.
Dự án CSSP tỉnh được triển khai tạo điều kiện cho nhóm nông hộ nghèo và cận nghèo trong vùng dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập theo hướng tiếp cận thị trường. Các bản SIP, VCAP là căn cứ để phân công thực hiện phát triển chuỗi giá trị thế mạnh; làm khuôn khổ cho đầu tư thương mại và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; đóng vai trò là đầu vào căn bản, thiết yếu của bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hieu-qua-tu-du-an-ho-tro-kinh-doanh-cho-nong-ho-3170589.html