Hiệu quả từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
Trong 2 năm (2019 - 2020), toàn tỉnh có 158 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển .
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp ý kiến từ nhu cầu của người dân nên việc thực hiện được thống nhất cao. Quá trình triển khai, cán bộ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo đúng kỹ thuật.
Cụ thể, huyện Ngân Sơn có 4 dự án, thành phố Bắc Kạn 5 dự án, Pác Nặm 17 dự án, Chợ Mới 20 dự án, Ba Bể 22 dự án, Bạch Thông 25 dự án, Chợ Đồn 25 dự án, Na Rì 40 dự án. Các dự án tập trung hỗ trợ cây, con giống như: Chăn nuôi gà thương phẩm, chăn nuôi dê, lợn, cá nước ngọt, mật ong;… Phát triển cây cam Đường Canh, cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau an toàn, chè, ổi, trà hoa vàng, chanh leo, khoai môn, khoai tây…
Triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2021, quy mô thực hiện 13ha với 24 hộ tham gia, Dự án phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị cây nghệ tại xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) là một trong những dự án hiệu quả, đảm bảo tính bền vững. Dự án giúp cho các gia đình có thêm nguồn thu nhập, tạo sự liên kết với HTX Nông nghiệp Tân Thành sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ từ vùng nguyên liệu trồng nghệ tại xã Nông Thượng. Đầu ra thuận lợi nên người dân càng yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả dự án đã được đầu tư.
Tại huyện Na Rì, 5 dự án triển khai phát triển sản xuất cây dong riềng đều có sự liên kết với các HTX trên địa bàn bao tiêu toàn bộ củ, tạo thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ khép kín. Cùng với đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Khẩu Nua Lếch, trồng khoai tây, ớt, kiệu, rau cải Nhật hay dự án nuôi dúi thịt, gà thương phẩm, chăn nuôi lợn bản địa, trâu, bò vỗ béo, dê,… đều được đánh giá cao.
Theo đồng chí Quách Đăng Quý- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Các hộ dân sau khi tham gia thực hiện dự án đều tăng thu nhập đáng kể, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương. Đồng thời, thúc đẩy được nhiều hoạt động liên kết theo nhóm sản xuất, từ đó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, góp phần quan trọng phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, các sản phẩm chủ lực phát triển bền vững hơn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo tại địa phương.
Các dự án phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị giúp các doanh nghiệp, nhất là các hợp tác xã nâng cao năng lực quản lý, xây dựng vùng nguyên liệu, có cơ hội đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, quy mô sản xuất… Qua việc thực hiện dự án liên kết đã góp phần đưa hợp tác xã phát triển đi lên; giúp kinh tế hộ thành viên chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, dự án được đánh giá đạt hiệu quả, có tính bền vững chiếm 65%; số còn lại có hiệu quả nhưng tính bền vững chưa cao và một số dự án đang trong thời gian thực hiện, chưa đến kỳ đánh giá.
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân sản xuất theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Kết nối các doanh nghiệp, HTX có năng lực đủ điều kiện để tham gia bao tiêu sản phẩm; tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của địa phương tới các thị trường trong và ngoài nước. Duy trì, nhân rộng các dự án hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển ổn định, bền vững./.