Hiệu quả từ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Nga Sơn
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nga Sơn, toàn huyện có 91.565 người trong độ tuổi lao động (chiếm 63,28% tổng dân số). Nhóm lao động từ 15 đến 35 tuổi là 40.514 người (chiếm 28%); nhóm lao động từ 35 đến 50 tuổi là 29.365 người (chiếm 20,29%). Người dân tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là 26.752 người; công nghiệp, xây dựng 742.167 người; dịch vụ là 21.016 người. Có 2.543 lao động đang làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài và khoảng 950 lao động chưa có việc làm.
Lớp dạy nghề tại Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn.
Để tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống cho người dân góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, huyện đã bám sát kế hoạch của tỉnh về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động đưa chỉ tiêu tạo việc làm cho người dân trở thành một nội dung của phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể và các xã, thị trấn khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế tại địa phương; phối hợp với các trường, công ty, doanh nghiệp tổ chức các lớp/khóa đào tạo nghề. Trong đó, tập trung vào các nghề phổ thông phù hợp với trình độ của lao động ở nông thôn, lao động nghèo, lao động là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và lao động thuộc đối tượng chính sách. Điển hình như Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn luôn chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn. Trường đã tập trung vào các nghề phổ thông, cần nhu cầu lao động qua đào tạo như: nghề cơ khí, gò hàn; điện – điện lạnh; may mặc; chăn nuôi, thú ý; chế biến món ăn. Trường đã thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, công ty, địa phương để đào tạo lao động; ký kết với nhiều công ty, như: Công ty CP Lilama 691, Công ty CP Lilama 12, Công ty Sông Đà 5, Công ty Canon Việt Nam, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông,... tổ chức cho học sinh đi thực tập trải nghiệm, vừa học vừa làm nhằm nâng cao kỹ năng tay nghề cho học sinh. Đồng thời, trường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh cuối khóa; mở phiên giao dịch việc làm. Để nắm bắt tình hình tìm việc làm của học sinh ra trường, nhà trường đã lập sổ theo dõi từng tháng (trong vòng 6 tháng), thường xuyên gọi điện tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh đã tốt nghiệp của các lớp tại trường, nhằm đảm bảo 100% học sinh sau khi tốt nghiệp được giới thiệu việc làm. Cùng với đó, trường đã phối kết hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện và các huyện lân cận tổ chức tư vấn hướng nghiệp phân luồng học sinh cho học sinh, phụ huynh.
Theo đánh giá của huyện, nhìn chung các cơ sở dạy nghề đã quan tâm tới công tác giới thiệu việc làm cho người lao động sau đào tạo; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, cử công nhân lành nghề tham gia hướng dẫn thực hành cùng cơ sở dạy nghề, thực hành tại doanh nghiệp và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Nhờ đó, hiệu quả của công tác đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt. Trên 80% lao động nông thôn sau khi học các nghề đã biết vận dụng kiến thức cơ bản thực tế công việc sau khi được tuyển dụng. Nhiều người nhờ có kỹ thuật được học đã mạnh dạn mở cửa hàng tự tạo việc làm hoặc nộp đơn vào các công ty, doanh nghiệp tạo thu nhập ổn định.
Để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động, huyện đã quan tâm phát triển doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho người dân. Trên địa bàn huyện có 539 doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 13.000 người. Bên cạnh đó, huyện triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất; khuyến khích người dân xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo. Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân và người sử dụng lao động; phối hợp với các công ty, trung tâm dịch vụ việc làm tuyên truyền, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cho người dân.
Do phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nên công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện luôn đạt và vượt kế hoạch. Năm 2022, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 3.150 lao động; giải quyết việc làm cho 2.690 lao động, trong đó 530 người tham gia xuất khẩu lao động.
Để tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có việc làm sau đào tạo, huyện Nga Sơn xác định công tác đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế là một giải pháp quan trọng. Do đó, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế gắn với xu hướng phát triển ngành nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Muốn như vậy, các đơn vị cần làm tốt công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu lao động, việc làm thực tế; tập trung công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS; tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, đồng thời, huyện cần tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tuyên truyền định hướng về cơ cấu ngành nghề và xuất khẩu lao động.