Hiệu quả từ hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới

Từ mô hình 'Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới', nhiều năm nay, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác đối ngoại hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, với mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đại diện lãnh đạo của hai xã vùng giáp biên thuộc hai huyện Mường Tè (Lai Châu, Việt Nam) và Lục Xuân (Vân Nam, Trung Quốc) cùng ký kết biên bản hội đàm về các nội dung đã được thống nhất. Ảnh: Thúy Hạnh

Đại diện lãnh đạo của hai xã vùng giáp biên thuộc hai huyện Mường Tè (Lai Châu, Việt Nam) và Lục Xuân (Vân Nam, Trung Quốc) cùng ký kết biên bản hội đàm về các nội dung đã được thống nhất. Ảnh: Thúy Hạnh

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc nước ta, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, với 265,165km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Qua việc kết nghĩa bản - bản, xã - trấn, tình đoàn kết, hữu nghị của bà con ở cụm dân cư biên giới giữa hai nước luôn được vun đắp. Nhân dân hai nước cùng quyết tâm thống nhất, thực hiện những điều đã được ký kết như: hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa.

Như người dân tộc Dao ở bản U Ma, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và thôn Ma Ni Tân Trại, thị trấn Bình Hà, huyện Lục Xuân, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc từ xa xưa đã có mối quan hệ hữu nghị gắn bó. Khoảng cách địa lý giữa hai cụm dân cư này chỉ cách nhau khoảng 10km qua đường biên giới Việt - Trung. Cũng giống như bản U Ma, thành phần dân tộc ở thôn Ma Ni Tân Trại là 100% đồng bào dân tộc Dao gốc Việt. Mọi phong tục tập quán đến ngôn ngữ của dân cư hai bên đều có sự tương đồng. Trên cơ sở đó, bản U Ma và thôn Ma Ni Tân Trại là cặp bản - thôn được chính quyền địa phương hai bên lựa chọn, thực hiện kết nghĩa bản - bản từ năm 2023. Ông Tẩn Cu Luồn, Bí thư Chi bộ bản U Ma bày tỏ: “Việc kết nghĩa, đi lại của người dân giữa bản U Ma và thôn Ma Ni Tân Trại đều rất vui mừng chào đón. Đều là người dân tộc Dao nên việc qua lại thăm hỏi nhau đều xoay quanh vấn đề phát triển kinh tế, như trồng trọt, buôn bán hàng hóa...".

Cũng giống như nhiều cư dân, anh Tẩn Pính, cư dân bản U Ma đều đặn mỗi tháng 4-5 lần đến đồn Biên phòng làm thủ tục xuất cảnh sang nước bạn để đi chợ, mua sắm những nhu yếu phẩm cho gia đình. Anh Tẩn Pính chia sẻ: "Chúng tôi được phía bên Trung Quốc giúp đỡ rất nhiều, nhất là đi vào chợ, có những loại hoa quả, chúng tôi không biết nói tiếng Trung, nhưng được người dân ở đó phiên dịch giúp nên đi chợ mua hàng cũng thuận lợi”.

Xã Thu Lũm gồm có 9 bản đều nằm dọc sát biên giới gần với phía Trung Quốc. Để thúc đẩy tình hữu nghị ngày càng khăng khít, cùng với cặp kết nghĩa bản - thôn U Ma và Ma Ni Tân Trại năm 2023, việc kết nghĩa bản - thôn cũng đã được tiếp tục triển khai với bản Pa Thắng, xã Thu Lũm và thôn Đại Mã Giác, trấn Bình Hà. Đặc biệt, xã Thu Lũm và trấn Bình Hà cũng đã tiến hành kết nghĩa xã - trấn. Theo đó, trên cơ sở các nội dung được hai bên thống nhất, tình hữu hảo giữa cư dân hai bên đã ngày càng được vun đắp.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2024, tại Nhà Văn hóa xã Thu Lũm đã tổ chức Chương trình hội đàm giao lưu văn hóa giữa nhân dân xã Thu Lũm với nhân dân trấn Bình Hà. Theo đồng chí Phùng Lòng Kà, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm: “Qua hội đàm, giao lưu càng tăng thêm gắn kết, tình cảm và hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền cùng với nhân dân hai bên giáp biên. Từ đó, quan tâm và hiểu rõ nhau hơn về vấn đề biên giới, nâng cao nhận thức cho người dân hai bên biên giới, chấp hành tốt các hiệp định biên giới giữa hai nước. Đồng thời, hai bên cũng cùng nhau trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân hai bên biên giới cùng nhau trao đổi, mua bán hàng hóa, thông thương để từng bước được phát triển bền vững”.

Người dân trấn Bình Hà trong buổi giao lưu văn nghệ với xã Thu Lũm. Ảnh: Thúy Hạnh

Người dân trấn Bình Hà trong buổi giao lưu văn nghệ với xã Thu Lũm. Ảnh: Thúy Hạnh

Từ khi kết nghĩa bản - bản, nhận thức về chủ quyền, ý thức quốc gia, quốc giới cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Song song với đó, người dân hai bên cũng đã tích cực phối hợp cùng lực lượng chuyên trách bảo vệ đường biên giới hai nước, trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc.

Thiếu tá Nguyễn Minh Chức, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu cho biết: “Nhân dân hai bên biên giới vốn đã có tình cảm gắn bó từ lâu đời. Từ khi triển khai mô hình kết nghĩa bản - bản, tình cảm giữa người dân hai nước ngày càng được thắt chặt, gắn bó. Nhận thức và hành vi đối với chủ quyền lãnh thổ biên giới của người dân cũng được nâng cao. Cụ thể, đã có ý thức tôn trọng, bảo vệ môi trường biên giới cửa khẩu, không có hành vi đốt nương để làm rẫy hoặc là chôn mồ mả qua biên giới. Không còn tình trạng trộm cắp, tôn trọng và bảo vệ đường biên, cột mốc. Hệ thống cột mốc không bị hư hỏng”.

Có thể khẳng định rằng, việc triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới" ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước láng giềng, theo chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập. Từ đó, xây đắp truyền thống hữu nghị hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-tu-hoat-dong-ket-nghia-cum-dan-cu-hai-ben-bien-gioi-post480248.html