Hiệu quả từ hoạt động phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác dân số
Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong việc thực hiện công tác dân số- KHHGĐ.
Anh Lê Văn Hưng, phụ trách Phòng Truyền thông - Giáo dục, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, phối hợp liên ngành trong việc thực hiện công tác dân số là hoạt động thường niên của Chi cục. Hằng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ ban hành kế hoạch, kinh phí để phối hợp với các sở, ban, ngành về các nội dung liên quan đến chăm sóc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình. Với mỗi đơn vị, tổ chức phối hợp, chi cục đều có kế hoạch chi tiết, cụ thể để hiệu quả hoạt động phối hợp được phát huy tối đa.
Năm 2018, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với Sở Tài chính thống nhất phương án phân bổ kinh phí hoạt động dân số - KHHGĐ 2018 và các văn bản chỉ đạo các hoạt động chuyên môn; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số tại huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh; phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh đoàn… tuyên truyền, cung cấp thông tin về công tác dân số.
LĐLĐ tỉnh là một trong những đơn vị phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ thực hiện chăm sóc, cung cấp thông tin sinh sản cho cán bộ, công chức, người lao động. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, những năm qua, LĐLĐ tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc, cung cấp thông tin sinh sản, KHHGĐ cho công nhân của các doanh nghiệp, cán bộ viên chức của các công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, LĐLĐ tỉnh phối hợp Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn (mỗi lớp có 60-100 người), tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp; 1 lớp tuyên truyền về bình đẳng giới cho 150 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại huyện Hướng Hóa. Đây là những chương trình, hoạt động thiết thực, nhân văn nhằm giúp các đoàn viên, người lao động là chị em phụ nữ được tiếp cận với những thông tin, chính sách bổ ích về sức khỏe sinh sản, chính sách dân số, KHHGĐ. Từ đó, các chị có thêm kiến thức để chăm sóc bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tích cực phối hợp với Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đăng tải, phát sóng nhiều thông tin về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và phản ánh kịp thời các hoạt động can thiệp MCBGTKS tại cơ sở. Phối hợp với đoàn thanh niên cơ sở tổ chức các buổi truyền thông cung cấp các thông tin, quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho hơn 400 nam, nữ thanh niên sắp đến tuổi kết hôn. Phối hợp với các trường THPT tổ chức 19 buổi sinh hoạt ngoại khóa giáo dục về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tích cực phối hợp với Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh, sơ sinh Đại học Y - Dược Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải và trung tâm y tế các huyện triển khai hoạt động chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh tại 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với Hội Y - Dược và KHHGĐ tỉnh tổ chức các buổi truyền thông phổ biến Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số tại các xã thuộc địa bàn miền núi như huyện Hướng Hóa, Đakrông…
Anh Lê Văn Hưng cho biết thêm, từ đầu năm 2019 tới nay, chi cục tiếp tục phối hợp với trung tâm y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức 93 lớp tập huấn kiến thức, kĩ năng tuyên truyền về chăm sóc và phát triển trẻ thơ; phương pháp, kĩ năng tuyên truyền kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên; đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh… cho hơn 5.000 lượt học viên là cán bộ dân số, cộng tác viên dân số, đoàn thể thôn, bản, cán bộ y tế cơ sở.
Cũng theo anh Hưng, hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác dân số vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Việc vận động đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, phổ biến chính sách dân số - KHHGĐ ở một số địa phương và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vì đặc thù công việc, địa bàn sinh sống. Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã được ban hành từ năm 2017 nhưng đến nay, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương vẫn chưa được tiếp cận và nắm bắt kịp thời. Nhận thức về thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ của người dân vẫn còn hạn chế… “Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành với các sở, ban, ngành, đơn vị để công tác dân số - KHHGĐ được thực hiện tốt hơn”, anh Hưng cho biết thêm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144867