Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi đa con

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi cách thức sản xuất mới, gia đình ông Trần Văn Tứ ở Thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được mô hình chăn nuôi đa con mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông sản ở địa phương.

Ông Tứ giới thiệu mô hình nuôi gà Tây Mỹ của gia đình- Ảnh: N.T

Ông Tứ giới thiệu mô hình nuôi gà Tây Mỹ của gia đình- Ảnh: N.T

Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Tứ, chúng tôi được ông nhiệt tình dẫn đi thăm chuồng trại chăn nuôi đa con của gia đình. Trên khu đất cát rộng hơn 1.700 m2 , ông bố trí gần 1.000 m2 xây dựng khu chăn nuôi lợn, gà, vịt riêng; dành hơn 300 m2 trồng rau muống, chuối làm thức ăn cho đàn vật nuôi.

Ông Tứ cho biết, trước đây, ông làm nghề đi biển nhưng vì sức khỏe không đảm bảo bám biển lâu dài và điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên ông quyết định vào Đồng Nai học nghề nuôi chim cút. Sau 3 tháng học nghề, ông làm thuê nuôi chim cút đẻ trứng tại các trang trại có số lượng từ 3.000 - 15.000 con. Khi có được ít vốn, ông quyết định về quê xây dựng căn nhà kiên cố, vay thêm vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại nhỏ để nuôi lợn nái, gà, vịt.

Quá trình chăn nuôi, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do hội nông dân huyện, xã tổ chức; đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Nhờ chăm chỉ lao động và biết cách phòng dịch bệnh tốt, 15 năm nay, đàn vật nuôi của gia đình ông phát triển qua từng năm, chưa hề xảy ra dịch bệnh. Hiện trong chuồng trại gia đình ông có 20 lợn nái, gần 180 lợn thịt/lứa (mỗi năm 2 lứa). Ông tận dụng được nguồn phân lợn bón cho cây trồng nên cây phát triển tốt trên nền đất cát.

“Thương lái thu mua hàng hóa lâu nay biết nhà tôi nuôi lợn sạch, chủ yếu cho ăn các loại phụ phẩm nông nghiệp như rau muống, rau khoai, cám gạo...; phòng ngừa dịch bệnh tốt nên họ rất tin tưởng, thu mua lợn với giá tốt. Vì thế, đầu ra sản phẩm luôn ổn định, giá lợn của chúng tôi lúc nào cũng được thương lái mua cao hơn những hộ chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi từ nuôi lợn hơn 200 triệu đồng”, ông Tứ chia sẻ.

Bên cạnh nuôi lợn theo hướng VietGAP, 8 năm trước, gia đình ông Tứ còn chọn giống gà Tây Mỹ mua ở miền Bắc về nuôi và gây giống. Theo ông, đây là loại gà dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn gà ta. Mỗi con gà trưởng thành có trọng lượng từ 8 - 14 kg. Bình quân mỗi năm ông xuất bán hơn 100 con gà thịt, mỗi con gà thịt có giá từ 2,5 triệu đồng đến hơn 3 triệu đồng; riêng gà giống khoảng 500 nghìn đồng/cặp. Gia đình ông thu nhập từ gà Tây Mỹ và vịt khoảng 50 triệu đồng/năm.

Ông Tứ cho biết: “Nhờ chăn nuôi đa con hiệu quả nên vợ chồng tôi sớm trả hết nợ ngân hàng và có vốn đầu tư phát triển mô hình. Sắp tới chúng tôi quy hoạch lại trang trại hợp lý hơn để đảm bảo chăn nuôi theo hướng VietGAP”.

Nuôi đa con tạo được nguồn thu ổn định, hạn chế rủi ro khi không may có một loại vật nuôi rớt giá, mô hình còn giúp gia đình ông Tứ tận dụng được phế phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm chi phí đầu tư. Dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông Tứ vẫn cần mẫn tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả, đặc biệt là chăn nuôi mang lại sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Mô hình chăn nuôi của gia đình ông góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, được nhiều nông dân ở địa phương học tập, làm theo.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-chan-nuoi-da-con-187793.htm