Hiệu quả từ mô hình ghép nhãn cùi cổ trên gốc cây nhãn Hương Chi

Nhờ thực hiện việc ghép cải tạo thành công giống nhãn cùi cổ đặc sản trên gốc cây nhãn Hương Chi nên vụ nhãn năm nay, nhiều hộ dân ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) không còn phải lo tìm đầu ra cho quả nhãn mà được khách hàng đến tận vườn đặt mua làm quà biếu, thu nhập cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với trước kia…

Vườn nhãn cùi cổ sai trĩu quả của gia đình ông Bùi Xuân Tám ở thôn Nễ Châu (xã Hồng Nam)

Ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, không ai là không biết lão nông Bùi Xuân Tám bởi ông không chỉ là người tâm huyết, đam mê với cây nhãn mà còn là người đã thuần hóa, nhân rộng giống nhãn cùi cổ tại địa phương.

Tiếp chúng tôi vào một buổi chiều muộn giữa tháng 8, khi công việc thu hoạch nhãn trong ngày đã cơ bản xong xuôi, ông Tám mới có thời gian nghỉ ngơi và kể lại cho chúng tôi về cơ duyên tìm ra giống nhãn cùi cổ. “Năm 1990, gia đình tôi thầu hàng nhãn cổ trên bờ đê, đến mùa thu hoạch thì vô tình phát hiện có một cây cho quả rất ngon, cùi giòn và róc hạt, đậm vị thơm mật ong không thua kém nhãn đường phèn là mấy. Tôi lấy hạt nhãn về ươm làm giống tại vườn nhà. Sau khi trồng 2 năm thì cây nhãn này cho quả bói. Đến năm 1997, khi cây đã trưởng thành và cho năng suất ổn định, thuần giống cây nhãn “mẹ”, tôi quyết định cải tạo một phần diện tích nhãn Hương Chi của gia đình để thay thế bằng giống nhãn cùi cổ này nhờ phương pháp ghép mắt. Đến nay, tôi đã sở hữu 70 cây nhãn cùi cổ, dự tính năm nay cho sản lượng đạt 2 tấn quả”, ông Tám cho biết.

Dẫn chúng tôi đi thăm cây nhãn “mẹ” có tuổi đời hơn 30 năm, tán rộng lá xum xuê, cành nào cành nấy sai trĩu quả, ông Tám không giấu được niềm phấn khởi cho biết thêm: Giống nhãn cùi này không chỉ có chất lượng thơm ngon mà còn rất “ngoan”, mắt ghép có thể tương thích với nhiều giống nhãn khác, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì sau 2 đến 3 năm có thể cho thu hoạch và cho năng suất ổn định hàng năm. Chỉ cần lựa chọn cây gốc có tuổi 7 – 8 năm để tiến hành ghép mắt thì cây ghép sẽ phát triển ổn định và chất lượng quả ngon.

Nhận thấy mô hình ghép giống nhãn cùi cổ trên gốc cây nhãn Hương Chi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trong thôn, xã đã tìm đến ông Tám để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mua giống về cải tạo vườn nhãn của gia đình. Nhiều người còn tìm đến cây nhãn cổ trên bờ đê để tìm kiếm mắt ghép về nhân giống.

Gia đình ông Trịnh Đình Hải ở thôn Nễ Châu đã gắn bó với cây nhãn Hương Chi được hơn 30 năm. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, ông Hải đã thực hiện quyết định táo bạo - ghép cải tạo 4 sào nhãn Hương Chi sang giống cùi cổ có chất lượng quả cao hơn. Sau 3 năm thực hiện việc ghép cải tạo, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năm 2021, vườn nhãn gốc Hương Chi, cành cùi cổ của gia đình ông đã bói được 8 tạ quả. Vụ thu hoạch năm nay cho năng suất tương đương, với giá bán trung bình 90.000 – 95.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập gần 80 triệu đồng. “Với giá bán ổn định như hiện nay và việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thương lái tìm mua tận vườn thì đây thực sự là cây trồng hiệu quả để người dân chúng tôi cải tạo vườn nhãn”, ông Hải khẳng định.

Còn hộ ông Trịnh Trường Sinh ở thôn Nễ Châu hiện trồng hơn 1 mẫu nhãn, trong đó có hơn 2 sào nhãn cùi cổ được ông cải tạo từ phương pháp ghép mắt trên gốc cây nhãn Hương Chi, đến nay đã cho thu hoạch được 2 vụ, sản lượng đạt từ 6 tạ đến 1,2 tấn quả/năm. Ông Sinh chia sẻ: Nhãn cùi cổ có ưu điểm là cây “thuần” so với các giống nhãn đặc sản như đường phèn, chất lượng lại thơm ngon: quả khá to (trọng lượng đạt từ 60 – 65 quả/kg), cùi dày, giòn và róc hạt, thơm ngọt như vị mật ong mà không khé cổ, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, giống nhãn này thường cho thu hoạch vào cuối vụ nhãn Hương Chi (khoảng cuối tháng 7 âm lịch), nên người trồng không bị áp lực về thời gian thu hoạch và đầu ra sản phẩm. Như vậy, nếu đem so sánh giá trị của vườn nhãn ghép này với giống nhãn Hương Chi trước đây cùng với số lượng cây thì giá trị tăng gấp 3 – 5.

Xã Hồng Nam hiện có 196ha trồng nhãn các loại, tập trung chủ yếu tại 3 thôn là Nễ Châu, Điện Biên và Lê Như Hổ, nhưng các giống đặc sản như đường phèn, cùi cổ chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích nhãn trong toàn xã. Ông Trịnh Văn Phi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu của thị trường, các hộ trồng nhãn có kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất chuyển hướng sang trồng các giống nhãn đặc sản, trong đó phương pháp ghép nhãn cùi cổ trên gốc cây nhãn Hương Chi được nhiều hộ áp dụng. Đến nay, trên địa bàn toàn xã có trên 300 cây nhãn cùi cổ, trong đó có khoảng 200 cây đã cho thu hoạch. Qua theo dõi đánh giá, tại các mô hình ghép cải tạo vườn nhãn đạt kết quả rất tốt, cây ghép chỉ sau 2 đến 3 năm đã được thu hoạch, cung cấp ra thị trường sản phẩm quả nhãn chín muộn hơn nhãn chính vụ; năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng từ 3 đến 5 lần so với nhãn thông thường.

Mô hình ghép nhãn cùi cổ trên gốc cây nhãn Hương Chi đã minh chứng cho sự sáng tạo trong sản xuất của người nông dân, không chỉ làm giàu cho gia đình, mà góp phần bảo tồn giống nhãn đặc sản của địa phương, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn Hồng Nam nói riêng, thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên nói chung.

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202208/hieu-qua-tu-mo-hinh-ghep-nhan-cui-co-tren-goc-cay-nhan-huong-chi-6403f36/