Hiệu quả từ mô hình liên kết lúa - cá luân phiên theo chuỗi
Thuộc vùng bán sơn địa và có địa hình lòng chảo, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) có đến 350 ha/2.047,76 ha đất sản xuất nông nghiệp chỉ sản xuất được 1 vụ lúa chiêm, còn lại luôn trong tình trạng ngập úng. Tận dụng mặt nước, người dân đã chuyển vụ mùa trồng lúa bấp bênh sang mô hình lúa chét - kết hợp nuôi cá, cho hiệu quả kinh tế cao.
Tổ nuôi cá thời vụ khẩn trương thu hoạch cá, trả lại mặt bằng cho vụ gieo cấy chiêm xuân năm 2023.
Gia đình ông Hoàng Văn Cương, thôn Tiên Hòa 2, có 4 sào đất lúa thuộc vùng trũng nên chỉ gieo cấy được 1 vụ lúa chiêm và vụ lúa chét - loại lúa được phát triển từ gốc rạ của vụ lúa chiêm để lại. Còn vụ mùa, gia đình ông không gieo cấy vì thường xuyên bị ngập úng. Ông Cương cho biết: “Do chỉ cấy 1 vụ nên để nâng cao giá trị thu nhập trên 4 sào đất lúa, gia đình tôi đã đưa các giống lúa hàng hóa như 986 và GF55 vào gieo trồng. Năm nào được mùa, 4 sào lúa trong vụ chiêm xuân cho thu hoạch 1,6 tấn lúa, cộng thêm thu hoạch vụ lúa chét được hơn 2 tạ. Với giá thu mua của thương lái từ 500 - 550 nghìn đồng/tạ, 4 sào lúa sau khi trừ chi phí, đem lại thu nhập cả năm cho gia đình được gần 4 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi UBND xã Hà Lĩnh có chủ trương đưa toàn bộ diện tích đất cấy lúa 1 vụ không ăn chắc vào nuôi trồng thủy sản và giao HTX dịch vụ nông nghiệp xã làm trung gian đứng ra hợp đồng với các tổ nhóm, 4 sào đất của gia đình được góp chung vào để nuôi cá. Vì vậy, ngoài được hưởng mức hoa lợi theo quy định chung 120 nghìn đồng/sào, gia đình tôi còn có thêm thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng”. Cũng theo ông Cương, vụ chiêm xuân năm 2022, 4 sào đất lúa của gia đình được chuyển sang cấy giống lúa ST24 do một doanh nghiệp liên kết đứng ra cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm. Tuy năng suất chỉ đạt trên 3 tạ/sào nhưng với giá Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng thu mua cho bà con ngay tại ruộng là 800 nghìn đồng/tạ lúa tươi; 1 triệu đồng/tạ lúa khô, giá trị thu nhập của 4 sào lúa (sau khi trừ chi phí) vẫn gấp 1,5 lần so với trước.
Tại địa phương, hàng trăm hộ gia đình khác có diện tích đất lúa chỉ cấy được 1 vụ trên địa bàn xã Hà Lĩnh khi thực hiện mô hình lúa - cá luân phiên, nhất là những hộ khi thực hiện đưa giống lúa ST24 vào trồng thử nghiệm đều có chung niềm vui, phấn khởi bởi hiệu quả mô hình đem lại. Về kết quả của mô hình chuyển đổi, ông Hoàng Kỷ Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh, cho biết: Do địa phương thuộc vùng bán sơn địa, có địa hình lòng chảo nên có đến 350 ha chỉ sản xuất được 1 vụ lúa chiêm và tranh thủ sản xuất một vụ lúa chét, còn lại thời gian 6 tháng cuối năm chủ yếu là ngập lụt nên diện tích này bỏ hoang. Nhận thấy hiệu quả mô hình lúa - cá luân phiên, vừa tận dụng mặt nước, tránh lãng phí đất, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác, vừa có tác dụng vệ sinh đồng ruộng, làm sạch đất và tăng độ phì nhiêu cho đất sau mỗi đợt nuôi. Vì vậy, khi UBND xã Hà Lĩnh có chủ trương, đưa toàn bộ diện tích đất cấy lúa 1 vụ không ăn chắc vào nuôi trồng thủy sản và giao HTX dịch vụ nông nghiệp làm trung gian đứng ra hợp đồng với các tổ nhóm, đến nay, toàn bộ diện tích đất cấy lúa 1 vụ đã được các tổ nuôi cá thời vụ trên địa bàn nhận thầu, đưa vào nuôi thả, góp phần nâng giá trị thu nhập từ 30 triệu đồng/ha/năm lên 150 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ nâng cao giá trị thu nhập trên ha đất canh tác, mô hình lúa - cá luân phiên còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí khâu giải phóng đất. Vì vậy, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, đồng thời hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa - cá luân phiên đạt tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất lúa - cá luân phiên hữu cơ, UBND xã Hà Lĩnh đã liên kết với Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng đưa giống lúa ST24 vào trồng thử nghiệm trên diện tích 35 ha theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xứ đồng Rò, Né, Bọc với 214 hộ tham gia. Sau thời gian sinh trưởng từ 115 - 125 ngày, năng suất lúa đã đạt 60 - 65 tạ/ha. Cũng theo ông Dậu, trong vụ chiêm xuân 2023 này, Hà Lĩnh có kế hoạch nâng diện tích lúa - cá luân phiên hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP lên 80 ha với giống ST25. Để chuẩn bị cho bà con xuống đồng gieo cấy trong vụ chiêm xuân này, hiện các tổ nuôi cá thời vụ đang khẩn trương thu hoạch vét số cá còn lại, trả lại mặt bằng cho các hộ, đảm bảo xuống đồng gieo cấy đúng khung thời vụ của huyện quy định.