Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất lúa

Những năm gần đây, liên kết trong sản xuất lúa được quan tâm mở rộng tại các địa phương trong tỉnh. Các mô hình liên kết đều được sản xuất tập trung hàng hóa theo yêu cầu của doanh nghiệp. Hướng đi này không những giúp tăng giá trị sản xuất mà còn thay đổi cách làm cũ của người dân.

Những năm gần đây, liên kết trong sản xuất lúa được quan tâm mở rộng tại các địa phương trong tỉnh. Các mô hình liên kết đều được sản xuất tập trung hàng hóa theo yêu cầu của doanh nghiệp. Hướng đi này không những giúp tăng giá trị sản xuất mà còn thay đổi cách làm cũ của người dân.

Trên cánh đồng rộng hơn 12 ha thôn Mỹ Đà, xã Nhân Mỹ (Lý Nhân), người dân đang tập trung thu hoạch lúa mùa. Thóc của các hộ được đóng cùng một loại bao vận chuyển từ máy gặt đập liên hợp vào bờ chờ cân cho doanh nghiệp thu mua. Vụ này, người dân trong thôn cấy giống lúa DV108 trên diện tích liên kết. Bác Trần Thắng Quang, Trưởng thôn Mỹ Đà, có 7,5 sào ruộng trong vùng liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Vụ này, với năng suất lúa đạt 2,3 tạ/sào (thóc tươi), bác Quang xuất bán cho doanh nghiệp hơn 1,7 tấn thóc. Giá bán sản phẩm đạt 6,7 nghìn đồng/kg, tăng gần 1 nghìn đồng/kg so với vụ trước, đem lại nguồn thu hơn 11,5 triệu đồng cho gia đình. Bác Quang chia sẻ: Việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong thôn được thực hiện khoảng 5 năm nay. Hướng đi này rất có lợi cho người dân do doanh nghiệp thu mua thóc tươi ngay sau thu hoạch, không phải mất công phơi, bảo quản. Hiện nay, nhu cầu lương thực tiêu dùng hằng ngày ít, người dân không cần dự trữ thóc như trước đây.

Những năm gần đây, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu, HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ đã duy trì ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa với các doanh nghiệp cho người dân. Tổng diện tích sản xuất theo hợp đồng khoảng 50 ha, doanh nghiệp bảo đảm thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi ngay sau khi thu hoạch. HTX đảm nhận việc cung ứng giống, phân bón và chỉ đạo sản xuất theo yêu cầu (cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc). Vào vụ thu hoạch, Hội đồng quản trị HTX thống nhất về giá thu mua sản phẩm bảo đảm có lợi nhất cho người dân. Cách làm này giúp hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn tại địa phương. Theo bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ: Liên kết sản xuất lúa đã thay đổi cách làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Sản xuất tập trung theo liên kết tạo điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Trên diện tích này, HTX đã triển khai mô hình lúa cấy máy và đang tiếp tục sử dụng máy bay phun thuốc BVTV trong những vụ tiếp theo.

Nông dân xã Nhân Mỹ, Lý Nhân thu hoạch diện tích lúa liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: Kim Chi

Đối với 2 vụ lúa, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Tại HTXDVNN Tượng Lĩnh (Kim Bảng), đã liên kết sản xuất các giống lúa thuần nguyên chủng (ND 502 và ĐT 37) trên diện tích 60 ha tại 2 cánh đồng mẫu với Công ty TNHH Nam Dương (KCN Đồng Văn – thị xã Duy Tiên). Các cánh đồng thực hiện liên kết đều được chỉ đạo và triển khai chặt chẽ trong sản xuất từ sử dụng máy cấy giống lúa thuần siêu nguyên chủng, hóa chất phục vụ sản xuất giống lúa… Đồng thời, doanh nghiệp cử cán bộ phối hợp với HTXDVNN hướng dẫn người dân kỹ thuật từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa đến thời điểm thu hoạch. Do vậy, năng suất lúa trong diện tích liên kết tại địa phương luôn đạt cao hơn bên ngoài khoảng 5 – 7%. Doanh nghiệp mua giá thóc giống cao hơn giá thóc ngoài thị trường tại cùng thời điểm thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Sâm, Giám đốc HTXDVNN Tượng Lĩnh cho biết: Liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung. Đồng thời, giúp giải quyết được nhiều vấn đề trong sản xuất, nhất là duy trì ổn định diện tích gieo cấy, không có tình trạng người dân bỏ ruộng do giá trị, lợi nhuận được tăng lên. Địa phương đang tiếp tục duy trì và hướng đến mở rộng diện tích liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mỗi vụ có khoảng 2.000 ha lúa được thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Cơ bản diện tích này đều nằm trên các cánh đồng mẫu, vùng tập trung ruộng đất tại các địa phương. Trong đó, Công ty cổ phần lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ - Bình Lục) thực hiện liên kết khoảng 500 ha, Công ty TNHH Nam Dương gần 200 ha, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương hơn 100 ha… Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Liên kết sản xuất lúa đang được đẩy mạnh tại các địa phương trong tỉnh. Hướng đi này hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục định hướng và đẩy mạnh các chương trình phối hợp, liên kết trong sản xuất lúa giúp phát huy hơn nữa hiệu quả sản xuất.

Diện tích đất gieo cấy của tỉnh đang duy trì hơn 28 nghìn ha, với sản lượng thóc hằng năm đạt 360 nghìn tấn. Như vậy, ngoài việc bảo đảm lương thực, lượng thóc dư thừa trở thành hàng hóa còn hàng chục nghìn tấn, nhất là tại những địa phương có diện tích gieo cấy lớn. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại lợi nhuận thực sự cho người nông dân.

Thành Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/hieu-qua-tu-mo-hinh-lien-ket-san-xuat-lua-105255.html