Hiệu quả từ mô hình nuôi trùn quế giải quyết ô nhiễm môi trường

Chăn nuôi, trồng trọt là thế mạnh trong phát triển kinh tế ở các vùng ngoại thành Hà Nội, tuy nhiên chất thải trong chăn nuôi đã và đang gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân quanh vùng. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trang trại Hoa Viên (thuộc xã Yên Bình và Yên Trung huyện Thạch Thất) đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín, vừa cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, vừa bảo vệ môi trường.

Vào năm 2013, trước những nỗi lo về thực phẩm mất an toàn, chị Trương Kim Hoa (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc) đã mạnh dạn áp dụng mô hình trồng rau theo phương pháp hữu cơ tại trang trại Hoa Viên.

Ban đầu, chị chọn xã Yên Bình để phát triển mô hình này, sau mấy năm, những vạt đất rừng trơ trụi của thôn Dục được bao phủ một màu xanh đầy sức sống của các loại rau sạch. Từ 5.000 m2 trồng rau hữu cơ ban đầu, đến nay diện tích đất trồng rau hữu cơ của Hoa Viên lên tới hơn 60ha.

Đến nay các sản phẩm rau hữu cơ của trang trại được nhiều người tiêu dùng chọn lựa (Ảnh: N. Hoa)

Đến nay các sản phẩm rau hữu cơ của trang trại được nhiều người tiêu dùng chọn lựa (Ảnh: N. Hoa)

Không chỉ trồng rau hữu cơ, trang trại Hoa Viên còn phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Thương hiệu rau, thịt Đại Ngàn của trang trại nhiều năm nay đã được các hệ thống siêu thị lựa chọn để đưa đến người tiêu dùng và dần trở nên thân quen với gian bếp của nhiều gia đình.

Điểm khác biệt ở trang trại Hoa Viên so với những khu vực chăn nuôi khác ở chỗ nước thải vệ sinh chuồng trại được xử lý không gây ô nhiễm môi trường. Trang trại Hoa Viên nuôi lợn rừng và tận dụng phân lợn, cỏ, rau già để nuôi trùn quế. Như một vòng tròn khép kín, trùn quế được trang trại sử dụng làm thức ăn cho lợn, còn phân trùn quế sử dụng để bón cho cây trồng. Từ năm 2004 đến nay, trang trại đã phát triển diện tích nhà nuôi trùn quế từ 2m2 tăng lên hơn 20.000m2. Thời gian tới, trang trại sẽ phát triển mở rộng sản xuất để có sản phẩm trùn giống, thịt và phân bón cung cấp cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ trong cả nước…

Thạc sĩ Trương Kim Hoa, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc, chủ trang trại Hoa Viên cho biết nhận thấy mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ là hướng đi có tính bền vững, lâu dài, không chỉ cung cấp những sản phẩm có lợi cho sức khỏe mà còn giúp bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, do đó, Công ty đã tổ chức đầu tư chăn nuôi lợn rừng giống và thương phẩm, trồng trọt rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ. Với phương châm chỉ cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch gắn liền với bảo vệ môi trường, trang trại Hoa Viên đã thực hiện quy trình trồng rau hữu cơ cực kỳ nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch. Đặc biệt, các công đoạn nhổ cỏ, làm đất đều được đội ngũ người lao động ở Hoa Viên làm bằng tay…

Đặc biệt để cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, trang trại đã ứng dụng công nghệ vào xử lý chất thải tạo ra nguồn thức ăn sạch để nuôi trùn quế, sản phẩm thu được từ chăn nuôi trùn quế là phân trùn, trùn giống và trùn thịt. Hàng năm Công ty đã xử lý gần 30.000 tấn chất thải, cho ra sản lượng hơn 10.000 tấn phân trùn quế và 5.000 tấn sinh khối trùn quế.

Sản phẩm phân hữu cơ Đại Ngàn được giới thiệu tới người dân phục vụ cho việc trồng trọt (Ảnh: N. Hoa)

Sản phẩm phân hữu cơ Đại Ngàn được giới thiệu tới người dân phục vụ cho việc trồng trọt (Ảnh: N. Hoa)

Việc nuôi trùn quế từ các chất thải chăn nuôi và chất thải trồng trọt mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường, người lao động được làm việc trong môi trường trong lành. Nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi tại các hộ gia đình sẽ giải quyết được bài toán xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi khu vực nông thôn, đồng thời thay đổi thói quen chăn thả tự nhiên tại khu vực các xã nông thôn miền núi thành phố Hà Nội. Phân trùn quế cũng là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng sản phẩm cao, là nhân tố quan trọng góp phần cải tạo đất.

Thực tế tại trang trại Hoa Viên, sau thời gian sử dụng, đất đai từ hoang hóa, cằn cỗi nay đã trở nên màu mỡ, hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển đa dạng. Mô hình nông nghiệp hữu cơ của trang trại đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn. Nhiều gia đình cũng đã áp dụng cách làm của trang trại chuyển dần sang việc trồng rau sạch, họ đã biết cùng nhau bảo vệ rừng, đất và nguồn nước mạch chảy ra từ núi Vua Bà.

“Ở khu vực vùng núi này nếu chúng tôi không làm trang trại thì khu vực đất ở đây cũng hoang hóa, khi người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây ô nhiễm ra môi trường. Đây là khu vực đầu nguồn, mùa mưa sẽ làm các chất ô nhiễm chảy về khu vực đồng bằng, gây ảnh hưởng đến chính cuộc sống người dân.

Xuất phát từ cái tâm vừa bảo vệ môi trường trong sạch vừa cung cấp nguồn rau sạch cho người tiêu dùng, chúng tôi đã tận dụng phần dư thừa từ trồng trọt đem ủ và cho giun quế ăn. Cùng đó, ở khu vực chúng tôi đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, trâu bò được họ thả rong, chúng tôi thu gom nguồn phân đó đem về ủ lên cho giun quế ăn, sau đó lấy phân giun quế đem chế biến thành phân dùng cho trồng trọt”, anh Nguyễn Công Hoàng, quản lý trang trại Hoa Viên chia sẻ.

Với những thành công của trang trại Hoa Viên đã tạo ra mô hình canh tác hữu cơ kết hợp trồng trọt, chăn nuôi khép kín đảm bảo môi trường trong sạch. Đây là mô hình kinh tế phát triển bền vững cần được các cấp chính quyền quan tâm nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương khác.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-trun-que-giai-quyet-o-nhiem-moi-truong-114149.html