Hiệu quả từ mô hình phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh

Với mục tiêu đến năm 2025 đạt tiêu chí trường đại học nghiên cứu, những năm qua, Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) hiệu quả, trong đó có mô hình phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học (NCKH), tạo ra các sản phẩm KHCN chất lượng cao phục vụ quốc phòng và phát triển kinh tế.

Đến Khoa Vô tuyến điện tử, chúng tôi được giới thiệu về Đại tá, TS Nguyễn Mạnh Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Radar và là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về Radar của học viện. Anh và các thành viên trong nhóm đã nghiên cứu, chế tạo thành công các sản phẩm chất lượng cao phục vụ quốc phòng. Các sản phẩm trên đã và sẽ được đưa vào ứng dụng, góp phần giúp các đơn vị được trang bị tăng cường khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ.

Không chỉ có nhóm nghiên cứu mạnh về Radar, hiện nay, học viện đã công nhận 18 nhóm nghiên cứu mạnh được thành lập ở các khoa, viện chuyên ngành với các sản phẩm, công trình, đề tài thuộc hai lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Giai đoạn vừa qua, các nhóm nghiên cứu mạnh đã hoạt động tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng với các sản phẩm nghiên cứu cơ bản, bám sát định hướng công nghệ ưu tiên của Nhà nước và quân đội cũng như các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các nhóm nghiên cứu mạnh đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ KHCN, công bố nhiều công trình NCKH trên các tạp chí trong nước và quốc tế; biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo, phục vụ công tác đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học...

 Đại tá, TS Nguyễn Mạnh Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Radar, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về radar (bên phải) hướng dẫn cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân sử dụng máy hỏi-đáp hệ Parol.

Đại tá, TS Nguyễn Mạnh Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Radar, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về radar (bên phải) hướng dẫn cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân sử dụng máy hỏi-đáp hệ Parol.

Để có được những kết quả trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện KTQS nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: “Tiếp tục triển khai xây dựng các hướng khoa học mạnh, các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu học viện”. Theo đó, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và trên thế giới, năm 2016, học viện đã ban hành quy định về quản lý, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, tập trung tạo ra các sản phẩm ứng dụng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, học viện thực hiện đa dạng hóa các hình thức hợp tác, đẩy mạnh hoạt động trao đổi học thuật, như: Hội thảo, seminar, tọa đàm... tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên và các nhà khoa học nâng cao trình độ trong môi trường nghiên cứu quốc tế.

Trong quá trình thực hiện, Học viện KTQS đã kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Đồng thời nhà trường thực hiện gắn chặt NCKH với GD-ĐT, nhất là đào tạo sau đại học theo tiêu chí trường đại học nghiên cứu. Học viện chú trọng mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về NCKH và chuyển giao công nghệ; phát triển kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ các đề tài, dự án để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu học viện, được sử dụng rộng rãi trong và ngoài quân đội. Cụ thể, trong năm 2018 và 2019, các nhóm nghiên cứu mạnh đã chủ trì và hoàn thành nghiệm thu 6 đề tài cấp quốc gia và 6 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; công bố nhiều công trình NCKH, bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước; hướng dẫn 29 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng của các nhóm nghiên cứu mạnh cũng như xây dựng tiềm lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, Học viện KTQS còn xác định tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN. Học viện đưa NCKH thành hoạt động tự giác của cán bộ, giảng viên. Theo đó, nhà trường yêu cầu 100% giảng viên phải tham gia NCKH và phấn đấu để giảng viên dành không dưới 50% tổng thời gian làm việc cho NCKH. Chú trọng phát triển các hướng nghiên cứu mũi nhọn và liên ngành, bám sát các công nghệ, sản phẩm công nghệ cao được Nhà nước, quân đội ưu tiên đầu tư, phát triển, các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng là một phương hướng học viện đề ra và thực hiện. Thời gian tới, Học viện KTQS tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc gia và khu vực, cũng như từng bước xây dựng một trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Trung bình mỗi năm, nhà trường có ít nhất một công trình được cấp bằng độc quyền sáng chế. Bên cạnh đó, học viện tiếp tục tham gia có hiệu quả vào các chương trình, đề án của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về KHCN, nhất là các hướng tạo ra sản phẩm gắn với đơn vị, phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện SSCĐ, bảo đảm kỹ thuật, hiện đại hóa công tác chỉ huy, quản lý điều hành, góp phần hiện đại hóa quân đội.

Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-tu-mo-hinh-phat-trien-nhung-nhom-nghien-cuu-manh-632549