Hiệu quả từ mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ ở Đồng Tháp

Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp đã giúp cải thiện sinh kế người dân nơi đây.

Cải thiện thu nhập cho người dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (Tiểu dự án ICRSL) thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL) được triển khai trên các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thành phố Hồng Ngự với diện tích 115 ha.

Mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ cá đang cho thấy hiệu quả rõ rệt nhờ yếu tố thuận thiên, tận dụng mùa lũ.

Mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ cá đang cho thấy hiệu quả rõ rệt nhờ yếu tố thuận thiên, tận dụng mùa lũ.

Tại các địa phương nói trên, dự án đã triển khai 12 mô hình trình diễn với 5 loại hình sinh kế, gồm: 8 mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ cá; các mô hình còn lại là 2 vụ lúa - 1 vụ tôm, mô hình 2 vụ lúa - vịt - 1 vụ cá, mô hình 2 màu – 1 cá và mô hình lúa mùa – tôm/cá.

Trong đó, mô hình 2 vụ lúa- 1 vụ cá được xem là mô hình đem lại hiệu quả cao trong hoạt động nuôi, nhử cá mùa lũ. Anh Nguyễn Văn Kiểm ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, gia đình anh có truyền thống làm nông nghiệp, đất sản xuất màu mỡ nhưng với diện tích 10ha, canh tác lúa 2 vụ/năm chưa mang lại thu nhập như mong đợi.

Do vậy, từ năm 2018, nhờ sự hỗ trợ từ Tiểu dự án ICRSL, anh Kiểm cùng gia đình đã triển khai sinh kế mùa lũ 2 lúa – 1 cá, sản xuất lúa theo hướng an toàn và nuôi, trữ cá đồng tự nhiên.

Với việc chuyển đổi theo hình thức sản xuất này, mỗi năm, gia đình anh Kiểm có thu nhập từ mô hình lúa - cá là 837 triệu đồng/10ha/năm, cao hơn so với cách làm truyền thống trước đây hơn 520 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ nuôi cá trên ruộng lúa nên giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu và một số loại dịch hại gây bệnh như rầy…

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ cá, bình quân tổng lợi nhuận đạt 50,7 triệu đồng/ha/năm, trong đó sản xuất lúa cho lợi nhuận 42 triệu đồng/ha, cá cho lợi nhuận 8,7 triệu đồng/ha. So với ngoài mô hình, tổng lợi nhuận tăng 20,1 triệu đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng 11,4 triệu đồng/ha do áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào, sản xuất giống, liên kết tiêu thụ đầu ra…; lợi nhuận từ việc nuôi, trữ cá tăng 8,7 triệu đồng/ha.

Mô hình 2 lúa - 1 cá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, cung cấp đa dạng sản phẩm lúa, cá nên giảm rủi ro về thị trường, thích ứng khá tốt đối với những biến động về thời tiết và chế độ thủy văn... Ngoài ra, mô hình còn góp phần làm nguồn lợi thủy sản nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long thêm trù phú trong thời gian tới.

“Tiếp sức” thêm cho đồng bằng sông Cửu Long

Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO), qua 6 năm thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án đã giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Các loại hình sinh kế của Dự án đã chứng minh có thể là giải pháp thay thế cho các loại hình sinh kế truyền thống mà vẫn đem lại lợi nhuận cho người dân.

 Mô hình sinh kế tận dụng mùa lũ của người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho kết quả tích cực.

Mô hình sinh kế tận dụng mùa lũ của người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho kết quả tích cực.

Để “tiếp sức” cho đồng bằng sông Cửu Long, vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì Hội thảo tham vấn đề xuất dự án Chống chịu khí hậu và Chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (WB11).

Theo tổng hợp đề xuất của Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, Dự án WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.

Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.

Theo đề xuất bước đầu, Dự án WB 11 sẽ có 3 hợp phần: Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin; Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng; Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-sinh-ke-dua-vao-mua-lu-o-dong-thap-256005.html