Hiệu quả từ mô hình trồng bưởi hữu cơ ở Hạ Mỗ

Cây bưởi tôm vàng đã gắn bó lâu năm và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Bởi vậy, trong những năm qua, huyện Đan Phượng không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng bưởi tôm vàng. Gần đây, mô hình kinh tế 'Trồng bưởi sinh học hữu cơ sử dụng chế phẩm thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf' được Hội Nông dân huyện triển khai đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp người nông dân làm giàu bền vững.

Hạ Mỗ là xã đang trong quá trình đô thị hóa, toàn xã có 2 thôn với 10 cụm dân cư nằm trải dài trên 3km. Diện tích đất tự nhiên 377ha với 2.400 hộ dân thì có gần 1.000 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận nông dân đã chuyển đổi sang làm nghề phụ, chế biến nông sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và các ngành nghề khác. Trong đó, đặc biệt có 7 Tổ hội nghề trồng bưởi.

Bưởi tôm vàng là niềm tự hào của nông dân xã Hạ Mỗ và huyện Đan Phượng

Bưởi tôm vàng là niềm tự hào của nông dân xã Hạ Mỗ và huyện Đan Phượng

Ông Nguyễn Thế Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Mỗ cho biết, mô hình “Trồng bưởi sinh học hữu cơ sử dụng chế phẩm trừ sâu thảo mộc Anisaf” được thực hiện từ đầu năm 2023 sau khi ký hợp đồng giao kết với đơn vị cung ứng sản phẩm chế phẩm thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf năm 2023. Thường trực Hội Nông dân xã xây dựng mô hình và thành lập Tổ hợp tác tại Chi hội nông dân số 8, trực tiếp tổ chức 12 hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật về sử dụng chế phẩm sinh học.

Các chế phẩm Anisaf thay thế thuốc trừ sâu hóa học phòng ngừa và diệt các loại sâu và bọ chét hút; thuốc tác dụng tiêu diệt khi tiếp xúc và xua đuổi khi sâu bọ tới gần gây hại cây, ngoài ra khi sử dụng một thời gian làm tăng sức đề kháng tự nhiên của cây; phòng trừ nấm hại cây; chống rụng quả do thời tiết giúp cây chín đều hơn và kéo dài thời gian bảo quản khi đã thu hoạch.

Để mô hình hoạt động có hiệu quả, Hội đã tổ chức 5 buổi tập huấn nghiệp vụ công tác Tổ hội nghề nghiệp cho ban quản lý mô hình. Phối hợp hỗ trợ 40 chai Anisaf cho các hộ dùng thử nghiệm; cung cấp chế phẩm trừ sâu thảo mộc Anisaf với 6 chủng loại cho bà con trồng bưởi.

Để đánh giá chất lượng và độ an toàn, Hội Nông dân xã Hạ Mỗ đã tổ chức đem sản phẩm quả bưởi của Tổ hội nghề nghiệp đi kiểm định tại Trung tâm kiểm định chất lượng nông - lâm - thủy sản. Kết quả cho thấy các chỉ số đều ở mức an toàn tuyệt đối, được phép lưu thông trên thị trường.

“Kết quả kiểm định là nguồn động viên lớn đến với các thành viên Tổ hội nghề trồng bưởi. Qua đó, các hội viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sử dụng chế phẩm thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf trong sản xuất; giúp tăng năng suất, tăng giá trị quả bưởi”, ông Nguyễn Thế Thuận cho biết.

Hội Nông dân phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết mô hình để trao đổi kinh nghiệm

Hội Nông dân phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết mô hình để trao đổi kinh nghiệm

Cùng với đó, để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, Hội đã đưa bưởi tôm vàng tham gia hội chợ, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tháng 11 vừa qua, sản phẩm bưởi cụm 8 xã Hạ Mỗ đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

Bưởi tôm vàng là đặc sản và niềm tự hào của người dân Hạ Mỗ nói riêng và huyện Đan Phượng nói chung. Năm 2012, bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Đây là cơ hội để các hộ nhỏ lẻ tập hợp thành tổ chức có quyền lợi chung nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong cơ chế thị trường.

Hiện nay, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QRcode truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội.

Hiện nay, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QRcode truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội.

Hiện nay, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QRcode truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội.

Với hơn 30 hộ cùng nhiều diện tích chuyển đổi hữu cơ, bà con trên địa bàn xã đã hoàn thành nghiên cứu phát triển ứng dụng bộ Chế phẩm sinh học Anisaf trên bưởi năm 2023 đạt kết quả tốt. Nông dân xã Hạ Mỗ quyết tâm nhân rộng nhiều mô hình hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, hằng năm có 100% hộ gia đình nông dân trên toàn huyện tham gia thực hiện cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”.

Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân xã Hạ Mỗ phối hợp Công ty Dược phẩm Hoàng Giang tổ chức hướng dẫn 3 Tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi sinh học hữu cơ trong thực hiện sử dụng chế phẩm Annisaf. Kết quả cho thấy mô hình thực sự đã trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả để nông dân xã Hạ Mỗ phát huy, ứng dụng và nhân rộng.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-buoi-huu-co-o-ha-mo-164238.html