Hiệu quả từ mô hình trồng khôi nhung

Trồng cây dược liệu để phát triển kinh tế hộ gia đình và vùng là mô hình được nhiều địa phương áp dụng. Cây khôi nhung (khôi tía), tên khác: cơm nguội rừng, động lực, đơn tướng quân; tên khoa học là ardisia silvestris pitard, có thể được xem là một trong những cây dược liệu dễ trồng có hiệu quả kinh tế cao, đáng để xem xét và phát triển trồng công nghiệp cũng như quy hoạch vùng dược liệu.

Đã có một vài tỉnh phát triển mô hình trồng khôi nhung, cho thấy hiệu quả rõ rệt. Như mô hình của gia đình ông Nguyễn Trí Tuệ ở thôn 5 Khe Sấu, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; ông Phạm Ngọc Hùng ở thôn Đồng Chuối (xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên) đã tận dụng diện tích đất vườn rừng để trồng khoảng 0,5 ha cây khôi nhung; mỗi năm thu hái từ 6 - 7 lần lá, một lần hái từ 350 - 400 kg, với giá bán 30.000 đồng/kg lá tươi.

Gia đình ông Phạm Bá Chiến cùng thôn Đồng Chuối cũng là một trong những người đầu tiên trồng cây khôi nhung. Với diện tích khoảng 0,7 ha, mỗi năm gia đình ông thu về từ 120 - 150 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Ông Chiến còn thu mua lá khôi nhung tươi của các gia đình trong xã về sơ chế khô để bán lại cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg; nhờ đó bà con trong xã không lo đầu ra, yên tâm đầu tư trồng khôi nhung để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Cây khôi nhung dễ canh tác trên nhiều vùng đất khác nhau. Ảnh: NGÂN NGUYỄN

Cây khôi nhung dễ canh tác trên nhiều vùng đất khác nhau. Ảnh: NGÂN NGUYỄN

Tại các xã Thanh Mỹ, Thanh Đức (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), cây khôi nhung được trồng dưới tán cây keo; còn tại xã Thanh Hà và Thanh Đồng, cây này được trồng trên diện tích bỏ hoang theo hình thức thâm canh, che lưới có lắp hệ thống tưới nước. Sản phẩm sau khi thu hoạch được HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường, đặt tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bao tiêu toàn bộ.

Cây khôi nhung nhỏ, mọc thẳng đứng, cao chừng 2 m, thân rỗng xốp, ít phân nhánh. Là loại thực vật có hoa trong họ anh thảo, lá khôi nhung là dược liệu quý.

Với đặc tính dễ trồng, ưa ẩm, ít sâu bệnh, thích nghi trồng xen canh dưới các tán cây, tán rừng..., có thể trồng khôi nhung ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cây khôi nhung có khoảng thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch ngắn, lại không tốn nhiều công chăm sóc và phân bón. Trồng sau 6 tháng có thể cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch 5 - 8 lứa, giá trị kinh tế cao. Vì vậy, trồng khôi nhung sẽ không chiếm diện tích đất canh tác mà ngược lại tận dụng được diện tích đất rừng sản xuất. Cùng một diện tích đất rừng sản xuất, người dân có thể thu hoạch được 2 loại cây, nâng giá trị đất sản xuất cao gấp 2 - 3 lần. Ngoài đất rừng sản xuất, việc tận dụng diện tích rừng tự nhiên và rừng phòng hộ để trồng khôi nhung không những không làm ảnh hưởng đến cây rừng hiện có mà còn làm phong phú hệ thực vật; đồng thời tạo nguồn thu nhập cho người dân, tạo việc làm cho lao động và tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương.

Bà Ngọc Anh (Hội LHPN huyện Thanh Chương ) đúc kết: Qua trồng thí điểm, đã khẳng định cây khôi nhung phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Thanh Chương. Theo bà, để cây dược liệu khôi nhung thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch phát triển bền vững loại cây dược liệu này, góp phần giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Mộc Lan

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-khoi-nhung-20230713213735677.htm