Hiệu quả từ mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao
Những năm qua, một số doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đã ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển mô hình trồng nho hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao, tạo thu nhập, việc làm cho lao động địa phương và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên địa bàn.
Năm 2019, mô hình trồng nho hạ đen đầu tiên được Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh Sơn La triển khai thực hiện tại bản Híp, xã Chiềng Ngần, Thành phố. Công ty trồng thử nghiệm 2.000 gốc nho hạ đen được nhập giống trực tiếp từ Trung Quốc và thuê chuyên gia người Trung Quốc hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc trong năm đầu sản xuất. Đồng thời, Công ty đã đầu tư làm nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, hạn chế sâu bệnh. Không ngừng nghiên cứu và phát triển các giống nho mới giá trị kinh tế cao. Cuối năm 2020, Công ty tiếp tục mua 50 cây giống nho sữa về nghiên cứu, ghép cải tạo vào gốc nho hạ đen và trồng thử nghiệm 500 gốc trong nhà kính 1.500 m2. Tháng 8/2022, cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, sản lượng đạt 3 tạ, cho quả xanh, căng mọng, vị giòn ngọt, không hạt, giá trị kinh tế cao gấp đôi so với giống nho hạ đen.
Ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh Sơn La, chia sẻ: Hiện, Công ty có 3 ha trồng nho các loại, trong đó, 1,3 ha đã cho thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, sản lượng nho thu hoạch đạt 17 tấn, giá bán trung bình 130.000 đồng/kg, tính ra tổng doanh thu đạt trên 2,2 tỷ đồng.
Sau khi tham quan mô hình trồng nho hạ đen tại thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang, anh Nguyễn Đình Tuấn, HTX Đoàn Kết, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, đã đầu tư làm nhà màng, hệ thống tưới tự động và mua 1.500 cây giống nho hạ đen đầu dòng tại Viện Khoa học cây trồng Quảng Đông về trồng thử nghiệm.
Anh Tuấn chia sẻ: Nho hạ đen là cây trồng mới ở Sơn La, nên cơ hội tìm được thị trường tiêu thụ tại địa phương và trong nước có nhiều tiềm năng. Chúng tôi đã thuê kỹ sư nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật ban đầu. Vừa trồng thử nghiệm, vừa rút kinh nghiệm và nhân giống để mở rộng diện tích vụ sản xuất. Chỉ sau 6 tháng, vườn nho được mở rộng lên gấp đôi, với 3.000 cây. Năm 2022, nho cho thu hoạch vụ đầu tiên 9 tấn quả tươi, giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, tổng doanh thu trên 1,2 tỷ đồng.
Trên địa bàn, hiện còn có mô hình trồng nho của Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã; mô hình trồng nho kết hợp du lịch tại Nông trại Chimi Farm Mộc Châu... Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ nghiên cứu triển khai thử nghiệm mô hình trồng gần 300 cây nho đen không hạt giống Cự Phong tại Khu ứng dụng nông lâm nghiệp Mộc Châu. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 5 ha trồng nho hạ đen, nho sữa xanh, toàn bộ được trồng trong mô hình nhà lưới, nhà kính, có hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới tiết kiệm, sản xuất theo theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ.
Các mô hình trồng nho hạ đen bước đầu được đánh giá thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, sản phẩm nho đảm bảo chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng qua chợ đầu mối, hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn và siêu thị. Doanh thu trung bình đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ, giá trị kinh tế cao hơn so với một số loại cây ăn quả khác, như: xoài, nhãn, bưởi…
Trồng nho đầu tư giống một lần, cho thu hoạch liên tục từ 10-15 năm. Nho hạ đen và nho sữa cho thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng cao nhất đạt 25 tấn/năm, doanh thu có thể đạt đến vài tỷ đồng/ha/năm. Nho trồng càng lâu năm, năng suất càng ổn định, chi phí sản xuất càng thấp. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng lao động lao động phổ thông làm việc tại vườn theo mùa vụ lớn, tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho lao động phổ thông, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Chị Nguyễn Huyền Trang, Kỹ sư nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhận định: Nho Hạ đen là một mô hình kinh tế có tiềm năng phát triển. Đây là cây trồng mới phát triển đòi hỏi trình độ kỹ thuật trồng và chăm sóc rất nghiêm ngặt. Việc mở rộng diện tích phải được thực hiện một cách bài bản, không phát triển diện tích một cách ồ ạt mà thực hiện từng bước bằng các biện pháp như đào tạo, tập huấn kỹ thuật, liên kết sản xuất bao tiêu theo chuỗi giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm
Chuyển đổi sang mô hình trồng nho công nghệ cao là một trong những thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị canh tác. Song cần chú ý, không phát triển sản xuất ồ ạt theo phong trào, cần gắn kế hoạch sản xuất với thị trường tiêu thụ, làm chủ khoa học kỹ thuật, giảm nhân công, giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.