Hiệu quả từ nghề nuôi đặc sản 'hot' trên thị trường
Trong năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Ninh Thuận đã thể hiện rõ sự phong phú, đa dạng về đối tượng nuôi theo hướng giảm dần kiểu nuôi truyền thống để chuyển sang nuôi các hải đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao như ốc hương, cá biển, mực nhảy, tôm hùm...
Riêng ốc hương (loài ốc thân mềm sống ở biển nhiệt đới, giàu chất dinh dưỡng) đang được nuôi phổ biến ở các địa phương ven biển của tỉnh Ninh Thuận. Là đặc sản đang “hot” trên thị trường nên ốc hương luôn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi so với nuôi các loài thủy sản khác.
Hầu hết người nuôi đều có lãi
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, khởi phát từ các mô hình nuôi ốc hương thương phẩm của tỉnh trước đây, nay nghề nuôi ốc hương tại các địa phương ven biển trong tỉnh đã dần phát triển mạnh, với diện tích nuôi hiện có trên 133 ha, tập trung ở các khu vực của Đầm Nại (huyện Ninh Hải), xã An Hải (huyện Ninh Phước) và xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam).
Ngoài hình thức nuôi trong ao đất thông thường, hiện nay mô hình nuôi ốc hương trên ao cát trải bạt đã rộ lên và được nhân rộng ở vùng nuôi dọc theo dãi đất cát ven biển của các thôn Từ Thiện, Vĩnh Trường, Sơn Hải 1, Sơn Hải 2 thuộcxã Phước Dinh. Song song đó, mô hình nuôi ốc hương trong hồ (bể xi măng) đặt trong nhà có mái che cũng đã được thực nghiệm thành công và được một số hộ dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đầu tư nuôi.
Trải qua thời gian phát triển, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 17 cơ sở nuôi ốc hương trong hồ đặt trong nhà mái che với quy mô trên 92 ha, đạt sản lượng 1.665 tấn, năng suất bình quân 18 tấn/ha. Tính chung toàn tỉnh, sản lượng ốc hương thu hoạch trong năm 2023 đạt 3.190 tấn, đạt trên 175% kế hoạch và tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, ở vùng nuôi ốc hương trên cát xã Phước Dinh hiện đang có 77 ha diện tích thả nuôi ốc hương. Khác với các đối tượng thủy hải sản thường nuôi, ốc hương được thả nuôi từng đợt chứ không có thời vụ nhất định nên thu hoạch cũng diễn ra nhiều đợt trong năm với năng suất bình quân 30 tấn/ha.
Ông Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, ốc hương được nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao, năng suất thu hoạch cao, cá biệt có hộ đạt từ 40 - 50 tấn/ha. Nhìn chung hoạt động nuôi ốc hương thương phẩm trong 2 năm gần đầy gặp nhiều thuận lợi, năng suất thu hoạch cao, giá bán ốc hương dao động ở mức cao, tiêu thụ dễ dàng, tỷ lệ nuôi thành công khá cao nên nhiều hộ nuôi đều có lãi lớn.
Không những sản lượng thu hoạch đạt cao, mà đầu ra của sản phẩm ốc hương rất ổn định nên người nuôi rất phấn khởi. Hiện giá bán ốc hương thương phẩm dao động từ 190.000 - 340.000 đ/kg (loại 100 con/kg, tùy thời điểm).
Với giá bán ổn định này, hầu hết người nuôi ốc hương đều có lãi. Đơn cử ở thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh) có một số hộ nuôi với diện tích trung bình 5 sào, thu lãi 2 - 3 tỷ đồng. Dù vốn đầu tư nuôi ốc hương gấp đôi so với nuôi một số loài thủy sản, song đổi lại ốc hương cho lãi cao gấp 2 - 3 lần.
Nhân rộng đầu tư nuôi đa loại hình
Thấy được hiệu quả và giá trị kinh tế mang lại như thời gian qua, hiện nay việc đầu tư nuôi ốc hương không chỉ đơn thuần là chuyện của mỗi hộ dân, mà còn có sự tham gia đầu tư bài bản, quy mô của các doanh nghiệp trong tỉnh, kể cả các doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng đến thuê mặt bằng đầu tư nuôi ốc hương.
Để hiểu rõ hơn về triển vọng các mô hình nuôi ốc hương trên ao cát trải bạt và trong hồ nổi có mái che, vừa qua chúng tôi tìm đến cơ sở nuôi của Công ty TNHH Một thành viên Châu Cầu (doanh nghiệp hàng đầu chuyên nuôi ốc hương thương phẩm) tại thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh. Đây là doanh nghiệp ở Ninh Thuận có cơ sở nuôi ốc hương theo cả 2 mô hình, tức nuôi trên ao cát trải bạt và nuôi trong hồ nổi có mái che.
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Châu Cầu, cho biết trại nuôi trồng thủy sản của Công ty có tổng diện tích 7,4 ha; trong đó có khoảng 6 ha nuôi ốc hương thương phẩm, bao gồm 1 ha làm trại nuôi trong nhà, với 108 hồ xây nổi có mái che, thể tích 10,8 m3/hồ và 5 ha ao nuôi ngoài trời, mỗi ao có diện tích từ 1.500 m2 - 2.800 m2 theo hình thức trải bạt trên cát.
Vụ nuôi năm nay, ngoài 30 hồ nổi nuôi trong nhà, trang trại của ông Châu còn thả nuôi 7 ao đìa ngoài trời, dự kiến sau tết Nguyên đán Giáp Thìn (tức khoảng tháng 3) sẽ thả nuôi tiếp 8 ao đìa đang bỏ trống, riêng 70 hồ nổi trong nhà còn lại sẽ thả nuôi trong tháng này.
Những năm trước ốc hương tiêu thụ chủ yếu qua kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng vào các năm bị dịch bệnh COVID-19 làm đứt khúc chuỗi xuất khẩu một thời gian, vì vậy ốc hương đã tìm được thêm đầu ra trên thị trường nội địa.
Hiện nay, trước xu hướng phát triển mới, nhằm chuẩn bị hạ tầng ứng dụng công nghệ cao đáp ứng theo yêu cầu quy hoạch của nghề nuôi trồng thủy sản, Công ty TNHH Một thành viên Châu Cầu vừa đầu tư 3 tỷ đồng để chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống nhà mái che và hồ nuôi nổi, xây mới một số hạng mục kho, phòng để giao dịch với khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Châu lạc quan chia sẻ, trước đây Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Công ty với sản lượng trung bình 70 tấn/năm. Bây giờ có thêm thị trường nội địa ổn định nên tự tin về triển vọng mới của 2 mô hình nuôi trên ao cát trải bạt và trong hồ nổi có mái che này.
Nghề nuôi ốc hương cũng cần khá nhiều lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp. Trung bình mỗi ao đìa nuôi, diện tích từ 600 - 1.000 m2 cần 2 lao động làm việc thường xuyên. Với diện tích nuôi lớn hơn thì cần từ 3 - 5 lao động, mức lương bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Điều đó cho thấy, nghề nuôi ốc hương cũng góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động ở các địa phương ven biển.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống và với tiềm năng lớn của thị trường tiêu thụ nội địa hiện nay, nghề nuôi ốc hương ở Ninh Thuận đang mở ra triển vọng mới về phát triển và đóng góp tích cực cho kinh tế thủy sản của tỉnh.
Ông Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, với tiềm năng và lợi thế của địa phương ven biển và với giá trị của ốc hương mang lại, ngành thủy sản tỉnh cũng khuyến khích người dân tận dụng khai thác vùng nuôi một cách bài bản, nuôi đúng kỹ thuật gắn với trách nhiệm trong bảo vệ môi trường nuôi chung, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận sẽ quản lý chặt chẽ vùng nuôi, hướng dẫn hộ nuôi có điều kiện áp dụng tiêu chuẩn GAP vào hoạt động nuôi thương phẩm, hướng dẫn người nuôi ghi chép nhật ký ao nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quan trắc môi trường tại các vùng nuôi để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng ô nhiễm dẫn đến thiệt hại.