Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân
Từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện An Phú (An Giang) đã được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Từ đó, giúp hội viên, nông dân từng bước nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại địa phương.
Từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện An Phú đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm giúp cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển quỹ Hỗ trợ nông dân. Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú Trần Văn Đông cho biết, nhờ tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động mà đến nay ở 14/14 xã, thị trấn có nguồn vốn đạt trên mức 50 triệu đồng, trong đó 3 xã có nguồn vốn đạt trên 100 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn do huyện quản lý trên 1,8 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện, 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân huyện An Phú hỗ trợ 77 lượt hội viên, nông dân vay vốn với mức vay phổ biến từ 10-50 triệu đồng. Trong quá trình xét cho vay, Hội Nông dân huyện tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong sử dụng nguồn vốn vay; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, các cơ sở hội thường xuyên thăm hỏi tình hình sản xuất - kinh doanh, kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên. Nhờ vậy giúp hội viên nông dân phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay, đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, yêu cầu.
Công tác cho vay, quản lý nguồn vốn được tổ chức chặt chẽ, không phát sinh nợ quá hạn. Trong đó có một số mô hình vay vốn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò thịt tại xã Đa Phước. Nông dân vay vốn đối ứng từ 20-50 triệu đồng/hộ, từ nguồn vốn vay này đã giúp các hộ tăng số lượng đàn bò nuôi từ 2-4 con.
Qua đó, giúp hội viên nông dân có điều kiện tăng gia sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập, giúp cuộc sống ổn định hơn. Là một trong những hộ được hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình chăn nuôi bò, bà Trịnh Thị Sen (ngụ xã Đa Phước) cho biết, nhờ nguồn vốn vay đã giúp bà phát triển thêm số lượng bò ban đầu từ 4 con lên 6 con.
Ngoài ra, bà Sen còn được hỗ trợ tiêm phòng, khám bệnh định kỳ cho đàn bò... nhờ vậy việc chăn nuôi ngày càng phát huy hiệu quả, thu nhập của gia đình bà càng được cải thiện.
Ngoài mô hình chăn nuôi bò ở xã Đa Phước, Hội Nông dân huyện An Phú còn hỗ trợ nông dân xã Khánh An vay vốn với số tiền 20 triệu đồng để thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp đa canh và chăn nuôi bò. Hiện, mô hình đang là lợi thế của địa phương, có khả năng nhân rộng trong hội viên, nông dân, giúp nông dân phát triển sản xuất, có thêm nguồn thu nhập, giúp trang trải các chi phí trong sinh hoạt, ổn định cuộc sống gia đình.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình, dự án đã và đang phát huy hiệu quả từ việc sử dụng nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú Trần Văn Đông đánh giá, quỹ Hỗ trợ nông dân huyện ngày càng thu hút đông đảo nông dân tham gia; quy mô đầu tư vốn cho 1 dự án được nâng lên đáng kể.
Nhiều mô hình vay và sử dụng nguồn vốn vay phát huy hiệu quả cao, giúp đời sống hội viên, nông dân ngày càng phát triển, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các mô hình cho vay còn góp phần xây dựng các mô hình tổ hợp tác sản xuất trong hội viên, nông dân, tạo điều kiện phát triển, chuyển đổi mô hình làm ăn có hiệu quả. Đồng thời, giúp trau dồi kỹ thuật canh tác, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp…
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện An Phú sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia đóng góp vào nguồn quỹ của huyện; đôn đốc, nhắc nhở các chủ dự án thu hồi tiền gốc và lãi phát sinh khi đến hạn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các mô hình đầu tư nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm trong sử dụng nguồn vốn và thu phí…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hieu-qua-tu-nguon-von-ho-tro-nong-dan-a282086.html