Hiệu quả từ những mô hình sản xuất gắn với chuỗi liên kết

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh và các địa phương trong tỉnh triển khai trong nông dân; qua đó, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, các mô hình sản xuất gắn chuỗi liên kết đáp ứng mục tiêu về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp điều kiện sinh thái địa phương, xu thế biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn (bìa phải) trao đổi với các thành viên trồng chanh không hạt của HTX Thành Chí về tính liên kết bền vững theo chuỗi trong sản xuất xuất khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn (bìa phải) trao đổi với các thành viên trồng chanh không hạt của HTX Thành Chí về tính liên kết bền vững theo chuỗi trong sản xuất xuất khẩu.

Mô hình liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu

Mô hình liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu được Hợp tác xã (HTX) trồng chanh không hạt Thành Chí, xã huyền Hội, huyện Càng Long thực hiện thu mua và cung cấp cho Công ty TNHH The Fruit Republic (Hà Lan). Đến cuối tháng 10/2024, tổng diện tích chanh không hạt được phát triển trồng gắn với liên kết bao tiêu trên 150ha, ở các huyện: Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú…

Ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX Thành Chí cho biết: do chanh không hạt được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nên khâu sản xuất phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Theo đó, nông dân khi tham gia mô hình phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt của phía thu mua. Từ khâu xử lý bông, làm trái, phòng trị dịch bệnh đều có kỹ thuật viên của Công ty và HTX đến tận vườn hỗ trợ nông dân.

Hiện nay, diện tích trồng chanh không hạt đã được mở rộng và tạo việc làm cho người lao động tại các địa phương. Mô hình trồng chanh thành công không chỉ tạo thu nhập cao cho nhiều nông hộ mà còn đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Nông dân tham gia HTX được bao tiêu với giá từ 10.000 đồng/kg trở lên. Hơn nữa, họ còn được hưởng giá ưu đãi khi mua phân bón và thuốc trừ sâu, không qua trung gian.

Ông Lưu Văn Tài, ngụ ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành cho biết: gia đình tham gia trồng chanh không hạt cho HTX Thành Chí với diện tích 0,5ha. Chi phí đầu tư ban đầu (đến cho trái) từ 150 - 200 triệu đồng/ha; sau khi chanh bắt đầu cho trái thì chi phí chăm sóc từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Với năng suất 30 tấn/ha, người trồng chanh lợi nhuận khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha.

Cũng theo ông Phan Đức Tài, mỗi tháng nhu cầu xuất khẩu chanh không hạt của đơn vị đối tác lên đến 100 tấn, nhưng HTX chỉ đáp ứng được 30 - 50% sản lượng. Vì vậy, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh không hạt với nông dân các địa phương trong tỉnh, từ nay đến năm 2027, mỗi năm phát triển thêm 50ha.

Sản xuất lúa sạch hữu cơ

Từ năm 2015 đến nay, vùng đất cù lao của 02 xã Long Hòa và Hòa Minh (huyện Châu Thành) đã phát triển và duy trì hình thức sản xuất lúa hữu cơ kết hợp với xen canh trong nuôi thủy sản. Giá trị của hạt lúa hữu cơ (sản xuất giống ST 24) mang lại cao hơn khoảng 70% so với các vùng canh tác khác trong tỉnh.

Mô hình lúa - thủy sản của nông dân cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành đạt giá trị bền vững từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình lúa - thủy sản của nông dân cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành đạt giá trị bền vững từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa hữu cơ xã Long Hòa chia sẻ: do đặc điểm của vùng canh tác cù lao và thời gian nông dân ở đây tham gia làm lúa hữu cơ gần 10 năm, nên các chỉ tiêu về thông số đánh giá trên hạt lúa, hạt gạo ở cù lao Long Hòa, Hòa Minh của các đối tác liên kết đều đạt theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu…

Hiện trên địa bàn 02 xã cù lao có tổng diện tích hơn 126ha/135 hộ tham gia sản xuất có liên kết về đầu ra (lúa). Với giá thu mua 17.000 đồng/kg (vụ lúa đông - xuân 2023 - 2024), cao hơn sản xuất bên ngoài (cùng giống ST 24) là 7.000 đồng/kg. Trong này, có 03 đơn vị tham gia liên kết bao tiêu 100% diện tích sản xuất lúa hữu cơ của nông dân 02 xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh là HTX nông nghiệp Tiến Thành, HTX nông nghiệp Châu Hưng (huyện Châu Thành) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch Minh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Hồng Văn Tân với sản phẩm tôm càng xanh hữu cơ nuôi xen trong ruộng lúa.

Ông Hồng Văn Tân với sản phẩm tôm càng xanh hữu cơ nuôi xen trong ruộng lúa.

Ông Hồng Văn Tân, xã Long Hòa cho biết: gia đình có 02ha sản xuất lúa theo mô hình xen canh 01 vụ lúa + 01 vụ tôm càng xanh (từ tháng 5 đến tháng 12) và 01 vụ luân canh tôm thẻ chân trắng (từ tháng Giêng đến tháng 4). Trong vụ canh tác vừa qua, gia đình thu gần 100 triệu đồng sản xuất lúa ST 24 và hơn 200 triệu đồng từ con tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-nhung-mo-hinh-san-xuat-gan-voi-chuoi-lien-ket-43301.html