Hiệu quả từ những mô hình sinh kế cho người nghèo ở Hà Tĩnh
Hỗ trợ các mô hình sinh kế cho người nghèo để họ có 'cần câu' phát triển kinh tế đã đạt hiệu quả tốt trong chương trình giảm nghèo ở Hà Tĩnh.
Trao “cần câu” cho người nghèo
Tháng 6/2023, gia đình bà Trương Như Hiền (SN 1960, trú thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang) được hỗ trợ 3 con dê sinh sản từ mô hình sinh kế từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Sau một năm chăm sóc, đàn dê của bà Hiền phát triển tốt, chuẩn bị sinh sản lứa đầu tiên.
Nhìn đàn dê được hỗ trợ, bà Hiền phấn khởi nói: “Tôi tuổi cao, sức yếu, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Biết được hoàn cảnh của tôi, các ngành chức năng đã hỗ trợ mô hình sinh kế giúp tôi có động lực vươn lên, giảm bớt khó khăn về kinh tế.
Sự hỗ trợ của các cấp đã giúp gia đình cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Tôi hy vọng, thời gian tới, các cấp sẽ có thêm nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ những người yếu thế phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.”
Cách đây chừng vài tháng, con bò giống được hỗ trợ từ mô hình sinh kế của gia đình hộ cận nghèo chị Lê Thị Hoài Ước (SN 1976, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang) đã sinh sản con bê khỏe mạnh, nhanh lớn. Chị Ước vui mừng dự tính vài tháng tới sẽ xuất bán con bê này để có tiền đóng đậu, mua sắm đầu năm học cho các con.
“Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò giống, đến nay, nhờ chăm sóc tốt nên bò đã sinh thêm một con. Được hỗ trợ mô hình sinh kế như được trao “chiếc cần câu" để chúng tôi có điểm tựa phát triển kinh tế. Gia đình sẽ nỗ lực hơn nữa để không trở thành gánh nặng của địa phương”, chị Ước chia sẻ.
Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH Vũ Quang, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã phân bổ hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xây dựng 41 mô hình sinh kế (trong đó: có 21 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; 20 mô hình phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp). Qua đó, đã góp phần giúp địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.
Tiếp tục nhân rộng
Với những cách làm hiệu quả, sáng tạo, thời gian qua, UBMTTQ huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã phối hợp cùng các xã, thị trấn triển khai công tác chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp từng địa bàn mang lại hiệu quả tốt.
Lãnh đạo UBMTTQ huyện Đức Thọ thông tin, một trong những cách làm hay đó là chính sách “Sinh kế trao tay - tương lai bền vững” do đơn vị triển khai. Qua rà soát, nắm bắt nhu cầu của một số hộ dân nhận thấy nhiều hộ có ý chí vươn lên thoát nghèo nhưng thiếu vốn, thiếu nguồn lực và người hướng dẫn, định hướng.
Ban Thường trực UBMTTQ, Ban vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” huyện Đức Thọ đã tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu của các hộ nghèo giúp họ tạo ra nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2023, UBMTTQ huyện Đức Thọ đã tiến hành khảo sát, trực tiếp “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng cụ thể” và thống nhất hỗ trợ 23 con bê nái; 30 mô hình sinh kế gà giống quy mô 35 con; 5 mô hình chăn nuôi dê, mỗi mô hình 03 con dê giống.
Qua bước đầu triển khai thực hiện các hộ chăn nuôi tốt, phát triển tổng đàn hiệu quả, các mô hình chăn nuôi dê đang phát triển tốt, các cặp dê đã bước đầu sinh sản; bê nái phát triển nhanh, sức vóc tốt; tổng đàn gà ngày càng được nhân lên…
Từ các mô hình sinh kế của UBMTTQ huyện Đức Thọ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương này. Số hộ nghèo từ 3,24 % (2023) giảm còn 3,05 % (2024); hộ cận nghèo từ 3,94% (2023) giảm còn 3,14.% (2024).
“Thời gian tới nhằm cải thiện, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho các hộ dân trên địa bàn; phát huy hiệu quả từ các mô hình đã đạt được chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng và hỗ trợ thêm các hộ nghèo khác trong toàn huyện góp phần giảm nghèo bền vững”, lãnh đạo UBMTTQ huyện Đức Thọ nói.
Thông tin từ UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian từ năm 2019 - 2024, mặt trận các cấp ở Hà Tĩnh đã hỗ trợ 7.300 mô hình sinh kế, giúp hộ nghèo có việc làm, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Mỗi mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng, kinh phí được trích từ quỹ “Vì người nghèo” các cấp. Dựa vào đặc điểm của từng địa phương, các mô hình sinh kế được triển khai như: chăn nuôi, trồng trọt, thương mại, dịch vụ…
Để các mô hình phát huy hiệu quả, MTTQ các cấp cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây, con giống cho các đối tượng hưởng lợi; theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình tại các địa phương.
Từ đó giúp người nghèo, người cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, gây dựng cuộc sống gia đình, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh từ 4,53% hộ nghèo, 5,06% hộ cận nghèo năm 2019 giảm xuống còn 3,01% hộ nghèo, 3,37% hộ cận nghèo vào giữa năm 2024.