Hiệu quả từ phát triển mô hình trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng

Điện Biên có hơn 400 nghìn ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt khoảng 40%. Hiện nay, nhiều địa phương đang khai thác hiệu quả diện tích dưới tán rừng để trồng cây dược liệu. Đây cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng theo Tiểu dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo rất phù hợp với trồng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây thảo quả. Ảnh: Ái Vân

Xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo rất phù hợp với trồng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây thảo quả. Ảnh: Ái Vân

Trước đây, cây thảo quả được người dân ở xã Thanh Phong, huyện Tuần Giáo trồng tự phát dưới tán rừng, nhưng chỉ để sử dụng hàng ngày như một thứ gia vị. Trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây, diện tích trồng thảo quả trên địa bàn xã Thanh Phong không ngừng được mở rộng. Đến nay, diện tích thảo quả được trồng dưới tán rừng ở xã Thanh Phong đã lên tới 80ha, phát triển, sinh trưởng tốt. Cây thảo quả có giá bán ổn định từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg quả khô, sau mỗi vụ thu hoạch thảo quả, mỗi gia đình ở Thanh Phong thu về hàng chục triệu đồng.

Gia đình anh Vừ A Thu là một trong những hộ đầu tiên của xã Thanh Phong đưa cây thảo quả về trồng dưới tán rừng theo hướng hàng hóa trên chính diện tích rừng được địa phương giao cho quản lý. Đầu năm 2004, anh Thu lên Lai Châu mua giống cây thảo quả về trồng, từ diện tích 200m2 ban đầu, đến nay, gia đình anh Thu đã mở rộng diện tích lên tới 2ha. Trung bình mỗi năm, anh thu về 1,5 tấn thảo quả tươi. Anh Vừ A Thu chia sẻ: "Tôi lên huyện Phong Thổ của tỉnh Lai Châu lấy cây giống về trồng đầu tiên ở bản Thanh Phong này, sau đó, các hộ trong bản nhân giống trồng hết. Giá thảo quả cao hơn nhiều so với trồng cây ngô và cây lúa. Giá 1kg thảo quả cao nhất là 125 nghìn đồng/kg, thấp nhất là 80 nghìn đồng/kg".

Còn tại huyện biên giới Nậm Pồ, hiện nay, địa phương này đang có 64.000ha đất rừng. Năm 2015, huyện Nậm Pồ đã triển khai trồng thử nghiệm 2ha cây sa nhân xanh dưới tán rừng tại xã Nậm Khăn, với 20 hộ tham gia trồng thử nghiệm. Do khí hậu, thổ nhưỡng ở Nậm Khăn rất phù hợp với giống sa nhân xanh, nên cây phát triển và sinh trưởng tốt. Đến nay, kinh tế các hộ tham gia mô hình đã từng bước được cải thiện, nên đã thu hút nhiều gia đình khác ở địa phương tham gia.

Phát triển kinh tế hiệu quả dưới tán rừng giúp nhiều hộ gia đình xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có thêm thu nhập và làm giàu từ rừng. Ảnh: Ái Vân

Phát triển kinh tế hiệu quả dưới tán rừng giúp nhiều hộ gia đình xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có thêm thu nhập và làm giàu từ rừng. Ảnh: Ái Vân

Từ thực tế cho thấy, sa nhân xanh là cây dược liệu dễ trồng, ít công chăm sóc, có thể tận dụng diện tích dưới tán rừng để mở rộng diện tích, trồng 2 đến 3 năm, cây sẽ bói quả và cho thu hoạch liên tục từ 10 đến 12 năm. Với mỗi ha trồng sa nhân xanh, năng suất có thể đạt từ 100 đến 150kg quả khô/năm, giá bán ngoài thị trường dao động từ 100 nghìn đến 180 nghìn đồng/kg quả khô. Như vậy, mỗi ha rừng trồng sa nhân xanh sẽ cho thu nhập đến 80 triệu đồng. Trồng cây sa nhân đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên chính quyền các xã, thị trấn như: Chà Tở, Chà Cang, Nà Bủng, Nậm Nhừ hay Chà Bửa đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây sa nhân xanh. Định hướng này đã được người dân đồng tình, ủng hộ.

Ngoài thảo quả và sa nhân, một số cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao như: Cây sâm vũ diệp, hoàng linh hoa trắng, sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu cũng được đưa vào thử nghiệm trồng dưới tán rừng gỗ lớn tại các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa và Tuần Giáo. Riêng cây sâm Ngọc Linh và cây sâm Lai Châu chủ yếu trồng tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, thu hút nhiều hộ dân và hợp tác xã trên địa bàn tham gia, với số tiền đầu tư con giống lên đến 10 tỷ đồng. Sau 5 năm, hơn 6 vạn cây sâm trồng ở xã Tênh Phông sinh trưởng và phát triển tốt, khẳng định sự phù hợp về khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Huyện Tuần Giáo kỳ vọng, đến năm 2025, diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn ở xã Tênh Phông sẽ lên đến 200ha, riêng diện tích trồng cây sâm phấn đấu đạt 40ha.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: "Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nay, huyện Tuần Giáo đang đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu quý, đồng thời, với các loại cây dược liệu phù hợp có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể chế biến, có thị trường tiêu thụ theo hướng liên kết chuỗi bền vững với doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyên về dược liệu đảm bảo tính hiệu quả và đầu tư bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân liên kết sản xuất, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân".

Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế rừng, trong đó có việc trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng gỗ lớn đã tạo sinh kế cho nhiều người dân, khu vực vùng cao của tỉnh Điện Biên, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Vừa tham gia bảo vệ rừng, vừa trồng cây dược liệu đã mở hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế rừng, có nhiều hộ mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng không còn là trường hợp hiếm gặp. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng hàng năm.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-tu-phat-trien-mo-hinh-trong-cay-duoc-lieu-quy-duoi-tan-rung-post463745.html