Hiệu quả từ sáng kiến máy phun thuốc bảo vệ thực vật

Với niềm đam mê sáng tạo, anh Nguyễn Văn Đàn (SN 1986), thôn Chính Lan, xã Lan Giới, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã nghiên cứu, sáng chế thành công máy phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thiết bị giúp giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất.

Gia đình anh Đàn kinh doanh vật tư nông nghiệp nhiều năm nay. Anh kể, năm 2020, nhiều nông dân đến cửa hàng của anh mua thuốc BVTV và giãi bày về việc cây trồng bị sâu bệnh gây hại, năng suất, chất lượng kém. Khi phun thuốc, người lao động phải mang bình thuốc nặng ít nhất 20 kg rất vất vả; tốn công sức hoặc tốn chi phí thuê nhân công vì phải phun trên diện tích lớn, hơn nữa còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người. Điều này khiến anh Đàn băn khoăn và quyết định nghiên cứu, chế tạo máy phun thuốc BVTV phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng.

Anh Nguyễn Văn Đàn.

Anh Nguyễn Văn Đàn.

Trên cơ sở những kiến thức đã học và thực tiễn lao động, anh Đàn đã biến chiếc máy cày thành máy phun thuốc BVTV. Cụ thể, anh gắn vào máy cày bình nhựa 200 lít để chứa nước đã pha thuốc BVTV; gắn thêm bộ điều khiển áp suất vào động cơ để bơm thuốc. Máy được trang bị hai dàn phun ở hai bên, mỗi dàn dài 6 m và bộ điều khiển thủy lực giúp nâng lên, hạ xuống tùy theo từng địa hình.

“Tôi đã phun thử nghiệm trên cánh đồng ngô và nhận thấy khi lắp dàn phun sẽ khiến thiết bị di chuyển khó khăn, vướng vào cây trồng. Do đó, tôi cải tiến, chế tạo thêm hệ thống thủy lực giúp thu hai dàn ở hai bên vào sườn máy. Nhờ vậy, khi vướng vật cản hoặc di chuyển sang cánh đồng khác, người dùng dễ dàng điều khiển để thu dàn phun cho gọn lại, máy sẽ di chuyển thuận tiện, không phải dùng tay điều khiển thủ công như trước nữa”, anh Đàn nói.

Máy phun thuốc BVTV do anh Đàn sáng chế có thể phun 4 mẫu ruộng trong 1 giờ; trong khi đó, nếu dùng bình đeo vai theo cách truyền thống thì 1 giờ chỉ có thể phun được 1 sào. Khi kết hợp với các luồng gió đối lưu, thuốc được khuếch tán đều và bám thấm nhanh vào cây trồng ở cả mặt trên và dưới của lá, thân cây, giúp tăng hiệu quả diệt trừ sâu bệnh hại. Người dân cần ít thuốc hơn và giảm lượng thuốc tồn dư xả ra môi trường.

Máy phun thuốc BVTV do anh Nguyễn Văn Đàn sáng chế.

Máy phun thuốc BVTV do anh Nguyễn Văn Đàn sáng chế.

Để mở rộng hoạt động sản xuất, năm 2022, anh Đàn thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Tài Linh với 5 thành viên do anh làm Giám đốc. Nhờ chiếc máy cày có thể phun được thuốc BVTV, anh đã chủ động được thời gian phun thuốc diệt sâu bệnh hại cho hơn 5 ha trồng các loại cây theo mùa của HTX. Đơn cử như vụ đông vừa qua, HTX trồng 4 mẫu ngô ngọt.

Đây là loài cây nếu có sâu bệnh hại sẽ xuất hiện rất nhanh, bình quân mỗi chu kỳ sâu nở chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày, nếu không phun thuốc BVTV kịp thời, sâu sẽ ăn hết lõi ngô. Anh Đàn đã chăm sóc đúng kỹ thuật, phun thuốc bằng máy, trước khi thu hoạch ngô dừng việc phun thuốc đúng thời gian quy định để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, cây sinh trưởng, phát triển tốt; năng suất đạt 5-6 tạ/sào. Với giá bán 7-10 nghìn đồng/kg (cao hơn vụ trước 2-3 nghìn đồng/kg), HTX lãi khoảng 4-5 triệu đồng/sào.

Tính riêng vụ đông năm 2023, HTX đã tham gia hai mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu 22 ha ngô ngọt, 20 ha khoai tây cho nông dân trong và ngoài xã. Diện tích trồng trọt lớn nhưng anh Đàn tích cực ứng dụng cơ giới hóa thay thế sức người vào tất cả các khâu, nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh nên cây trồng cho năng suất cao. Ngoài ra, anh Đàn còn phục vụ nhu cầu thuê phun thuốc BVTV cho nhiều hộ khác.

Bà Đỗ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên đánh giá, sáng kiến của anh Đàn giúp công việc nhà nông đơn giản, hiệu quả hơn, nông dân có điều kiện sản xuất tập trung, quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị.

Bài, ảnh: Dương Đại Tiến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/416385/hieu-qua-tu-sang-kien-may-phun-thuoc-bao-ve-thuc-vat.html