Hiệu quả từ 'Tiếng máy vùng biên' nơi đại ngàn Trường Sơn
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp có hiệu quả trong công tác vận tại địa bàn đóng quân, góp phần tô thắm thêm hình ảnh những chiến sỹ mang quân hàm xanh, anh Bộ đội Cụ Hồ - đội quân chiến đấu, đội quân công tác trong thời kỳ đổi mới.
Trong đó, mô hình trao tặng “Tiếng máy vùng biên” do cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô, đóng tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh thực hiện từ năm 2020, với tổng số 46 máy sản xuất nông nghiệp, trị giá 311 triệu đồng, là việc cụ thể hóa và đổi mới thực chất nội dung, phương thức công tác dân vận của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trong thời gian qua.
Lợi ích “kép” từ mô hình sáng tạo
Đồn Biên phòng Làng Mô quản lý địa bàn xã miền núi biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Xã Trường Sơn có diện tích tự nhiên hơn 77.000 km2, với 1.240 hộ/5.150 nhân khẩu, sinh sống ở 4 thôn, 15 bản; trong đó có 741 hộ với 3.263 khẩu đồng dân tộc Bru - Vân Kiều. Những năm qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư và hỗ trợ về nhiều mặt, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quanm trong đó có việc thiếu thốn các loại phương tiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, năng suất, sản lượng, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Toàn xã còn 412 hộ đồng bào Vân Kiều nghèo.
Nhận thấy nhu cầu bức thiết của người dân trên địa bàn xã nói chung, các hộ gia đình đồng bào Bru - Vân Kiều nói riêng, thông qua chương trình và kế hoạch phối hợp công tác dân vận với Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Ninh và với các cơ quan, đơn vị khác trong và ngoài tỉnh, Đồn Biên phòng Làng Mô, trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã xây dựng mô hình “Tiếng máy vùng biên” với nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Bản Dốc Mây chỉ cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 20km, nhưng do đường giao thông đi lại còn khó khăn, để tới được trung tâm của bản, cán bộ xã Trường Sơn và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô phải mất 5 giờ đồng hồ để trèo đèo, lội suối hết sức vất cả. Trước năm 2020, bản Dốc Mây vẫn là bản nghèo khó nhất nhì ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với “3 không” (không đường, không điện lưới và không có sóng điện thoại), nên ở đây hầu như không có bất cứ loại máy móc hiện đại nào để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ lâu đời, hình ảnh những người phụ nữ Vân Kiều chiều chiều phải lầm lũi, cần mẫu, chịu thương, chịu khó giã gạo bên những chiếc cối đá đã mòn gót chân khiến cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô bao phen phải trăn trở, suy nghĩ.
Vậy là chiếc máy xát đầu tiên đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô mang về trao tặng cho các hộ gia đình ở bản Dốc Mây như một dấu mốc hết sức quan trọng, đưa người Bru – Vân Kiều ở nơi đây lần đầu tiên được làm quen và biết sử dụng các thiết bị “cơ giới hóa” ở mức giản đơn nhất, từ đó mở ra một hành trang mới trong hành trình đi tìm ánh sáng của văn minh, tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp và trong sinh hoạt hằng ngày, góp phần giúp họ thực sự thay đổi nhận thức, ý thức thoát nghèo và quan trọng hơn hết là làm thay đổi cả tư duy sản xuất theo lối “chặt, đốt, cốt, trỉa” vốn lạc hậu và ỷ lại “nhờ trời” trước đây.
Nhờ được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô “cầm tay chỉ việc”, có thêm máy xay xát, người phụ nữ Bru - Vân Kiều từ đây còn biết sử dụng chiếc máy xay xát gạo lại để nghiền ngô phục vụ cho cuộc sống và sản xuất hằng ngày.
Từ hiệu quả thiết thực mà chiếc may xay xát ở bản Dốc Mây mang lại, năm 2021, Đồn Biên phòng Làng Mô tiếp tục trao tặng cho bản Chân Trôộng 01 chiếc máy cày, 01 máy tuốt lúa và 02 bộ lồng gặt lúa, góp phần giúp cho quá trình làm đất, gieo trồng, thu hoạch, sơ chế lúa của các hộ gia đình Bru - Vân Kiều diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, vừa giải phóng sức lao động, vừa giúp làm tăng nâng năng suất, sản lượng các giống lúa canh tác trên một đơn vị diện tích.
Phát huy những kết quả đã đạt được của mô hình “Tiếng máy vùng biên” từ các năm 2020, 2021, 2022, vừa qua, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với Bệnh viện Da liễu Hà Nội và cấp ủy, chính quyền địa phương xã Trường Sơn tổ chức Chương trình “Trao nhận yêu thương”, trao nhiều loại máy móc và các phần quà có giá trị cho người dân xã Trường Sơn, gồm tặng 04 máy tách hạt ngô cho các thôn Long Sơn, Liên Xuân, Hồng Sơn và bản Thượng Sơn; tặng 10 máy cắt thức ăn chăn nuôi cho hội viên phụ nữ tại xã Trường sơn; tặng 02 máy cày, 01 máy tuốt lúa, 01 máy gặt lúa cho các bản Cổ Tràng, Đá Chát, Chân Trôộng, Bến Đường và tặng 30 lồng gặt lúa cho các bản canh tác lúa nước trên địa bàn. Cũng trong dịp này, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Ninh trao tặng 02 máy tách hạt ngô cho người dân thôn Tân Sơn,... Tổng kinh phí quà tặng trên 200 triệu đồng,....
Tô thắm thêm tình quân – dân “cá - nước”
Từ lâu, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu, rất đỗi thân quen trong đời sống hằng ngày, trong sản xuất của cán bộ và Nhân dân xã miền núi Trường Sơn còn nghèo khó này. Bởi vì với các anh, ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của quốc gia, các anh còn có nhiệm vụ làm tốt công tác dân vận nơi địa bàn đóng quân.
Ngoài thực hiện có hiệu quả mô hình “Tiếng máy vùng biên”, từ năm 2020 đến nay, Đồn Biên phòng Làng Mô cũng đã triển khai xây dựng 16 công trình “Ánh sáng vùng biên” với chiều dài 16,2km, tổng trị giá 815 triệu đồng; kết nối xây dựng 07 công trình nước sạch, 09 ngôi nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 920 triệu đồng; đỡ đầu cho 39 em học sinh trong dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” và 06 em trong chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, sau khi thí điểm và rút kinh nghiệm từ 10 công trình “Nhà vệ sinh cộng đồng”, đến nay Đồn Biên phòng Làng Mô đã triển khai nhân rộng và hỗ trợ xây dựng tổng số 65 nhà vệ sinh tự hủy kết hợp nhà tắm tổng trị giá 325 triệu đồng trao tặng cho các hộ gia đình trên địa bàn xã Trường Sơn, góp phần quan trọng thay đổi thói quen, tập quán sinh hoạt thiếu văn minh tồn tại đã lâu trong đồng bào Bru – Vân Kiều sinh sống trên địa bàn.
Ngoài ra, còn nhiều và rất nhiều các công trình, phần việc hết sức cụ thể, thiết thực và hiệu quả khác mà những năm qua cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô đã thực hiện trên địa bàn đóng quân góp phần đưa lại niềm tin của Nhân dân nơi khu vực biên giới, nhất là đồng bào Bru – Vân Kiều vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, từ đó xây dựng mối quan hệ quân – dân cá nước ngày càng bền chặt.
Và chính nhờ làm tốt công tác dân vận, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô đã được Nhân dân sinh sống nơi khu vực biên giới yêu thương, giúp đỡ, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, giữ vững toàn vẹn đường biên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội phân công.