Hiệu quả từ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Nhằm gia tăng giá trị trên diện tích canh tác, hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh - sạch và bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi, mang lại năng suất, giá trị kinh tế cao, gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất thuần nông sang trồng nho Hạ đen, dưa lê Hàn Quốc, gia đình bà Nguyễn Thị Hương, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.

Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất thuần nông sang trồng nho Hạ đen, dưa lê Hàn Quốc, gia đình bà Nguyễn Thị Hương, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xã Văn Tiến (Yên Lạc) đã và đang hình thành hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cao.

Điển hình như mô hình trồng dưa công nghệ cao của 2 thanh niên Tạ Văn Hiệp và Nguyễn Thái Phi. Năm 2017, 2 anh về quê thuê đất, mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất mới, mang tính đột phá và tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đó là mô hình nhà màng (che kính) hiện đại trồng dưa công nghệ cao được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Israel, đảm bảo cho cây trồng luôn trong điều kiện sinh trưởng tốt nhất, hạn chế sâu bệnh, cho chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.

Với diện tích ban đầu 1.000 m2, đến nay, anh Hiệp và anh Phi đã đầu tư mở rộng lên hơn 4.000 m2 với tổng chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Sản phẩm chủ yếu là dưa lê Kim Vương, dưa lê Như Ngọc, dưa chuột.

Về hiệu quả kinh tế đạt khoảng 100 triệu đồng/1.000m2/vụ, trung bình trồng được 3 vụ/năm. Về thị trường tiêu thụ được các cửa hàng rau quả sạch đặt mua tại chỗ, sản phẩm luôn được tiêu thụ hết.

Năm 2024, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hệ thống máy cảm biến, máy sục khí oxy nuôi cá, gia đình ông Phùng Văn Trọng, thôn Nhật Chiêu 2, xã Liên Châu (Yên Lạc) triển khai nuôi cá áp dụng kỹ thuật trên quy mô 3 ha. Từ khi lắp đặt hệ thống cảm biến trong hồ nuôi, ông Trọng dễ dàng theo dõi sự thay đổi của môi trường nước, lượng oxy, độ pH, nhiệt độ nước... thông qua điện thoại thông minh.

Hệ thống cảm biến được kết nối với hệ thống quạt nước tạo oxy trong hồ nên không cần ra hồ trực tiếp mà vẫn có thể điều khiển bật, tắt quạt dễ dàng. Sử dụng hệ thống cảm biến này đã giảm được rất nhiều chi phí mua thuốc và lượng hóa chất xử lý ao do được hệ thống cảnh báo đúng bệnh, đúng chủng loại, liều lượng, thời điểm... Nhờ đó, đàn cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, giảm lượng thức ăn hao hụt, chi phí nhân công theo dõi ao nuôi.

Gia đình ông Phùng Văn Trọng, thôn Nhật Chiêu 2, xã Liên Châu (Yên Lạc) ứng dụng máy cảm biến, máy sục khí oxy nuôi cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Phùng Văn Trọng, thôn Nhật Chiêu 2, xã Liên Châu (Yên Lạc) ứng dụng máy cảm biến, máy sục khí oxy nuôi cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật và có hệ thống cảm biến trợ giúp nên dù thời tiết diễn biến thất thường nhưng đàn cá vẫn sinh trưởng ổn định. Tỷ lệ nuôi sống sau 3 tháng đạt hơn 82,7%, tiêu tốn thức ăn dưới 2 kg thức ăn/kg tăng trọng, trọng lượng bình quân đạt gần 2 kg/con. Năm 2024, gia đình ông Trọng thu lãi hàng chục triệu đồng từ thu hoạch cá.

Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư máy móc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình, năm 2022, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV (Netherlands Development Organization) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án Khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại các xã Đồng Ích, Xuân Lôi, Xuân Hòa, Liễn Sơn, Tử Du (Lập Thạch). Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ xây dựng 3.218 công trình khí sinh học.

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai ứng dụng rộng rãi vào thực tế, gia tăng giá trị, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp của tỉnh như Dự án sản xuất rau an toàn, quy mô 130 ha triển khai ở 16 xã, thu hút 9.000 hộ nông dân tham gia với sản lượng 2,5 vạn tấn/năm; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, bảo tồn các loài cây dược liệu và sản xuất các dược chất, các sản phẩm thứ cấp có giá trị.

Hay như thí điểm 18 mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, 8 vùng sản xuất rau an toàn thuộc dự án QSEAP, quy mô 220 ha ở 8 xã, thị trấn; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) tại 28 cơ sở sản xuất, chế biến rau, quả; ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao giá trị cho sản phẩm sữa tươi; hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm Probio Livest - VP01 để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi…

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đại trà đã chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ, đưa cây trồng có giá trị, năng suất cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, phù hợp với điều kiện sinh thái vùng và địa phương trong tỉnh, tạo bước phát triển mới cho ngành Nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội.

Tỷ lệ giống lúa chất lượng đến nay đạt 77% tổng diện tích gieo trồng cây lúa toàn tỉnh (tăng 0,7% so với năm 2020). Hiệu quả kinh tế trung bình tăng thêm khoảng 3 - 5 triệu đồng/ha, có nơi tăng từ 6 - 8 triệu đồng/ha.

Năm 2023, năng suất lúa tăng 11,7%, ngô tăng 3,7%, rau các loại tăng 16%; sản lượng lương thực đạt 354.300 tấn, tăng gần 8,8%, đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2022; giá trị sản xuất đạt 150 triệu đồng/ha, tăng 5,8% so với năm 2020.

Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân 3,5%/năm. Năm 2024, dù chịu ảnh hưởng của thiên tai và bão số 3 (Yagi) nhưng tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt 1,53%, đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng.

Bài, ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123334//hieu-qua-tu-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-trong-san-xuat-nong-nghiep