Hiệu quả từ việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi

Nhiều nhà nông tại huyện Lâm Hà đã tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào chăn nuôi. Từ đó, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước giải quyết bài toán khó về môi trường, dịch bệnh và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Nông dân Lâm Hà đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất

Nông dân Lâm Hà đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo thống kê của Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn, hiện nay, trên địa bàn có 18 trang trại chăn nuôi heo, 16 trang trại gà và 8 trang trại dê, bò đang được duy trì và phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao. Việc đầu tư công nghệ hiện đại cho mô hình trang trại chăn nuôi nói riêng và cho ngành Nông nghiệp nói chung không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro đáng kể.

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gà của hộ gia đình ông Lương Viết Thành ở tổ dân phố An Lạc, thị trấn Đinh Văn - một trong những nông hộ tiên phong trong việc áp dụng KHKT vào chăn nuôi. Hiện nay, trại gà gia đình ông Thành đang nuôi gà khép kín, phòng lạnh với quy mô hơn 40.000 con gà ta lai. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lương Viết Thành cho biết, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, ông đã quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư hệ thống chuồng trại, máy móc, thiết bị để áp dụng KHKT vào chăn nuôi. Gia đình ông đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi gà khép kín trong phòng lạnh. Để đảm bảo chăn nuôi ổn định, bền vững, gia đình ông cũng đã liên kết, hợp đồng với doanh nghiệp. Qua đó, gia đình ông được hướng dẫn về kỹ thuật sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, cung cấp nguồn thức ăn và tạo đầu ra cho sản phẩm. Việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi đã giúp đàn gà gia đình ông lớn nhanh, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Với mô hình nuôi gà trong phòng lạnh, mỗi lứa, gia đình ông Thành thu về hàng trăm triệu đồng.

Ngoài mô hình nuôi gà của gia đình ông Lương Viết Thành thì trang trại chăn nuôi heo của gia đình nhà nông Võ Huy Phương ở xã Đông Thanh cũng là một trong những mô hình điển hình trong việc áp dụng KHKT vào chăn nuôi. Gia đình ông Phương là hộ dân đầu tiên mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi heo trong phòng lạnh bằng việc áp dụng tiến bộ KHKT hiện đại vào sản xuất. Nhờ vào hệ thống làm lạnh kết hợp với quy trình chăm sóc tiêu chuẩn, nuôi trong phòng lạnh đã giúp đàn heo sinh trưởng, phát triển nhanh, không tốn quá nhiều công sức, đồng thời hạn chế một số dịch bệnh thông thường và không gây ảnh hưởng môi trường. Từ đó, giúp cho gia đình ông có nguồn thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với phương pháp chăn nuôi truyền thống.

Công nghệ chăn nuôi bằng chuồng lạnh khép kín đã giúp cho người nuôi kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động, đồng thời, giảm các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài vào chuồng trại. Mô hình chăn nuôi này còn giảm tối đa về mùi hôi ảnh hưởng từ chất thải của chăn nuôi ra môi trường xung quanh. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, hệ thống giàn mát sẽ giúp nhiệt độ bên trong trang trại luôn duy trì ở mức ổn định, phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của vật nuôi. Nguồn thức ăn được truyền tự động đến máng ăn, máng uống, giúp nông hộ không chỉ nhàn rỗi mà còn tiết kiệm được chi phí và nhân công chăm sóc.

Thành công của những mô hình chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao là minh chứng cho việc tiếp cận KHKT mới vào đời sống Nhân dân trên địa bàn. Chi phí đầu tư cao bởi vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng các hộ dân sẽ có mức thu nhập ổn định, dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và theo dõi được sự phát triển ổn định của vật nuôi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà cho biết, Hội Nông dân huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động để các gia đình hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập, đời sống. Trên địa bàn đã có nhiều nông hộ áp dụng hiệu quả KHKT vào chăn nuôi, sản xuất. Từ đó, mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương để phát triển chăn nuôi an toàn, ổn định, bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương.

DUY DANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202211/hieu-qua-tu-viec-ap-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-chan-nuoi-3142269/