Hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ những phiên tòa xét xử

Thời gian qua, công tác xét xử của TAND các cấp ngoài mục đích chính nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các đối tượng phạm tội còn góp phần vào việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật đối với người dân tham dự.

Một phiên tòa xét xử của TAND tỉnh với sự tham dự của đông đảo người dân. Ảnh: T.Tâm

Một phiên tòa xét xử của TAND tỉnh với sự tham dự của đông đảo người dân. Ảnh: T.Tâm

* Hiểu pháp luật thông qua các phiên tòa

Mỗi người dân khi đến tham dự phiên tòa với tư cách khác nhau. Thế nhưng, sau phiên tòa xét xử, ai nấy đều thấy bản thân đã hiểu hơn nhiều quy định của pháp luật. Thông qua phiên tòa đã răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung đối với hành vi phạm tội không chỉ đối với bị cáo, mà với cả những người tham dự.

Từ sáng sớm 30-11, bà Trần Kim Thương (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đã đến dự phiên tòa xét xử một vụ án ma túy tại TAND tỉnh. Bà đến tham dự với tư cách người quen của các bị cáo trong đường dây buôn bán hơn 5kg ma túy. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Trường (30 tuổi, ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) án tử hình; Lê Thị Thu Huyền (41 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) án tù chung thân cùng về tội mua bán trái phép chất ma túy; Võ Ninh (22 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân) 20 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Bản án nghiêm khắc là hồi chuông cảnh báo và có sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức về tác hại của ma túy đối với bà Thương, cũng như những người dân khác.

Viện KSND tỉnh tổ chức các phiên tòa giả định trong trường học để giúp học sinh hiểu biết pháp luật

Viện KSND tỉnh tổ chức các phiên tòa giả định trong trường học để giúp học sinh hiểu biết pháp luật

Bà Thương cho hay, bà chưa từng dự một phiên tòa xét xử nào trước đó nên rất bỡ ngỡ và lo lắng. Thế nhưng, sau khi dự phiên tòa lần này, bà hiểu rõ hơn về sự nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi phạm pháp và từ phiên tòa bà hiểu hơn về một số quy định pháp luật, nhất là mức xử phạt đối với các tội liên quan đến ma túy rất nặng.

Cũng tham dự phiên tòa nói trên, anh Lê Bảo Quốc (ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) cho rằng, thông qua phiên tòa xét xử, anh hiểu hơn về các hành vi phạm pháp để biết cách phòng tránh.

“Tôi thấy việc tham dự phiên tòa là cách để tiếp cận pháp luật đơn giản, dễ hiểu và nhớ lâu nhất” - anh Quốc cho hay.

Không chỉ thông qua những phiên tòa xét xử tại các tòa án mà hiện nay, một số chi đoàn của các đơn vị đã phối hợp mang các phiên tòa giả định đến tận trường học, khu dân cư… để tuyên truyền pháp luật.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI cho biết, thông qua phiên tòa giả định do đơn vị phối hợp thực hiện, Ban tổ chức mong muốn truyền tải, đưa pháp luật vào cuộc sống giúp cho các tầng lớp phụ nữ và nhân dân có hành vi đúng với quy định của pháp luật, góp phần phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật, biết vận dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của phụ nữ và nhân dân trong việc chấp hành, tuân thủ pháp l uật của Nhà nước.

Mới nhất, vào ngày 30-10, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp cùng Chi đoàn Viện KSND tỉnh tổ chức một phiên tòa giả định tại Hội trường Trung tâm Chính trị TP.Long Khánh, thu hút hơn 300 người dân theo dõi. Phiên tòa đã tái hiện một vụ án cố ý gây thương tích liên quan đến bạo lực gia đình người chồng đánh vợ thương tật tỷ lệ 15%.

Thông qua phiên tòa giả định, một phần đã làm rõ hành vi, nguyên nhân phạm tội của “bị cáo”, phần nữa mang tính giáo dục để “bị cáo” nhận ra hành vi sai trái, ăn năn hối cải. Qua phiên tòa giả định đã giúp cho người dân có thêm những kiến thức pháp luật về hành vi phạm tội cố ý gây thương tích và trình tự, thủ tục của một phiên tòa thực tế.

Theo bà Dương Thị Thơm (người dân TP.Long Khánh), phiên tòa giả định đã thể hiện một cách rất sinh động, thực tiễn và giúp người tham dự hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật. Từ những thông tin trong phiên tòa, người dân sẽ tuyên truyền, giáo dục người thân, con em biết để phòng tránh vi phạm pháp luật.

* Đưa pháp luật đến gần dân hơn

Thẩm phán Võ Thị Thanh Phượng, Chánh văn phòng TAND tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành Tòa án đã nỗ lực đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người dân có thể nâng cao nhận thức về pháp luật, qua đó kéo giảm tội phạm.

Trong đó, thông qua các phiên tòa xét xử, ngoài mục đích xử lý nghiêm minh đối với hành vi phạm tội của các bị cáo, còn tuyên truyền pháp luật một cách sinh động, dễ hiểu và mang tính răn đe, giáo dục nghiêm khắc đến từng người tham dự. Trong đó, nhiều phiên tòa xét xử thu hút đông đảo quần chúng nhân dân theo dõi.

Một phiên tòa giả định được Hội LHPN tỉnh phối hợp với các cơ quan tố tụng tổ chức tại TP.Long Khánh

Một phiên tòa giả định được Hội LHPN tỉnh phối hợp với các cơ quan tố tụng tổ chức tại TP.Long Khánh

Trong các phiên tòa xét xử, Hội đồng xét xử đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để phân tích, giải thích pháp luật một cách dễ hiểu nhất cho bị cáo cũng như người dân tham dự phiên tòa. Điều này đã giúp cho người dự tòa được tiếp cận thông tin trực tiếp thông qua nội dung vụ án và nhận biết về hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua phiên tòa sẽ có sự tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi người. Từ đó, họ sẽ điều chỉnh hành vi của bản thân, cũng như góp phần tuyên truyền cho những người dân, người thân xung quanh, nhằm tránh vi phạm pháp luật.

Bí thư Chi đoàn Viện KSND tỉnh Nguyễn Thanh Hải cho hay, trong những năm qua, Chi đoàn Viện KSND tỉnh đã triển khai nhiều phiên tòa giả định ở các khu vực khác nhau. Riêng năm 2023, đơn vị đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức được 5 phiên tòa giả định ở các địa phương. Đây là hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

“Những phiên tòa giả định thường được xây dựng dựa trên các vụ án có thật với tình huống giả định và được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Tùy từng khu vực, đối tượng, Chi đoàn Viện KSND tỉnh sẽ chọn nội dung phiên tòa phù hợp để tuyên truyền” - anh Hải cho biết.

Theo anh Nguyễn Thanh Hải, những phiên tòa giả định mang tính trực quan không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp học sinh, người dân… hiểu rõ hơn hoạt động của những người “cầm cân nảy mực”, giúp người dân biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính hướng thiện trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua mức án được tuyên.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202312/hieu-qua-tuyen-truyen-phap-luat-tu-nhung-phien-toa-xet-xu-63a51c0/