Hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Trực Ninh
Những năm qua, huyện Trực Ninh đã phối hợp với ngành chức năng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác và thu nhập cho nông dân... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, huyện Trực Ninh đã phối hợp với ngành chức năng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác và thu nhập cho nông dân, góp phần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Xác định KH và CN là vấn đề then chốt trong chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện, vì vậy, Trực Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc ứng dụng KH và CN vào sản xuất nông nghiệp. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện đã hỗ trợ các địa phương, tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn như: quy hoạch, xây dựng hạ tầng nông nghiệp, hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa… Công tác đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân cũng được huyện đặc biệt chú trọng. UBND huyện đã phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Định, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh và các xã, thị trấn tổ chức 35 lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lương thực cho gần 1.200 lượt người. Các cơ quan chuyên môn, hội, đoàn thể trong huyện tổ chức 61 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 4.000 lượt người về kỹ thuật gieo sạ, kỹ thuật thâm canh và bảo vệ cây trồng, kiến thức chăn nuôi, thú y và thủy sản… Từ đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được nông dân, doanh nghiệp áp dụng đã đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp. Điển hình là mô hình ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng lớn của anh Trần Văn Thuyên, đội 11, xã Trực Tuấn. Anh Thuyên cho biết: Từ vụ mùa năm 2019, anh đã đầu tư mua máy bay không người lái thế hệ mới có 4 cánh quạt, được tích hợp rất nhiều chức năng hiện đại như hệ thống định vị vệ tinh giúp máy bay có thể bay hoàn toàn tự động, lập bản đồ khu vực cần phun và kiểm soát hoạt động phun theo chu trình đã được lập sẵn, sử dụng hệ thống vòi phun ly tâm kết hợp lực gió đẩy xuống của thiết bị bay đảm bảo thuốc bảo vệ thực vật bám đều lên 2 mặt của lá giúp cây hấp thụ tốt, thuốc không kết thành hạt rơi xuống đất gây hại môi trường. Hiệu quả rõ rệt khi trước đây anh Thuyên phải thuê 10 người phun gần chục mẫu trong 1 ngày với số tiền 200 nghìn đồng/người cho mỗi đợt phun phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, sử dụng máy bay phun thuốc với chiều rộng phun sải cánh 1m, anh Thuyên có thể phun kín diện tích chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ. Không chỉ tiết kiệm nhân công, phun thuốc bằng máy bay còn tiết kiệm được lượng thuốc sử dụng và 90% lượng nước so với phun thủ công. Qua đó mang lại hiệu quả rất cao cả về mặt kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Được huyện hỗ trợ tiếp cận vay vốn khoảng 80 tỷ đồng, 2 Công ty: TNHH Cường Tân và Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng cũng đang tích cực ứng dụng KH và CN, cơ giới hóa vào sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Cường Tân thực hiện đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất lúa giống từ làm thủy lợi nội đồng, làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và bảo quản nông sản. Công ty phối hợp với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu lai tạo, chọn tạo các giống lúa mới, chất lượng để đưa vào sản xuất. Hiện Công ty đã mua bản quyền một số giống lúa, ngô: TH3-3, CS6, CT16, M1-NĐ, HĐ9, Hương Cốm, Nếp VNUA16, VNUA69… Đồng thời, đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản với dung tích 2.000 tấn, hệ thống sấy 150 tấn/ngày, hệ thống xay, xát, đóng gói tự động… đảm bảo sản xuất theo chuỗi khép kín. Còn Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh đầu tư hơn 7 tỷ đồng cải tạo đất, xây dựng hệ thống nhà màng để sản xuất rau, củ, quả sạch ứng dụng công nghệ cao như: trồng rau thủy canh, rau hữu cơ trong nhà màng, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ngoài trời với quy mô gần 10ha. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với 7 hộ sản xuất rau, củ, quả. Mỗi tháng, Công ty đạt sản lượng 45 tấn rau các loại; giá trị sản xuất bình quân đạt 600 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương với thu nhập 6,5-7 triệu đồng/người/tháng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại đã tăng cường áp dụng quy trình, công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAHP, công nghệ xử lý chất thải, sản xuất thịt lợn sạch... qua đó giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP của bà Ngô Thị Thắm, xã Trực Thuận với quy mô 120 con nái và 1.000 con lợn thịt; hiện bà Thắm đã đầu tư hệ thống giết mổ và liên kết cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho một số bếp ăn của công ty dệt may, sản xuất giày da; tổng giá trị sản phẩm ước đạt 13 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên dưới 1 tỷ đồng. Trang trại Hiền Thục của ông Nguyễn Văn Thục chăn nuôi 500 con lợn khép kín với phương pháp hữu cơ kết hợp thảo dược; ông Thục đã mở cửa hàng Nông sản sạch Trực Thái tại địa bàn xã để cung cấp thịt lợn thảo dược cho bà con trong vùng; tổng giá trị sản phẩm của trang trại mỗi năm đạt trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận 300-400 triệu đồng/năm... Việc đẩy mạnh ứng dụng KH và CN đã làm tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác, từ 105 triệu đồng (năm 2015) lên trên 110 triệu đồng (năm 2020), quan trọng hơn là đã thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng KH và CN, công nghệ cao, công nghệ “sạch” để sản xuất nông nghiệp hàng hóa hướng tới sự bền vững.
Thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục tăng cường khảo nghiệm, tuyển chọn và bổ sung thêm vào bộ giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất, cơ giới hóa các khâu như: quy trình thâm canh cải tiến SRI, quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn, quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, trồng thủy canh, tưới nhỏ giọt; công nghệ chăn nuôi chuồng kín, không mùi, công nghệ xử lý chất thải, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh