Hiệu quả ứng dụng kỹ thuật sản xuất mận Rubi

Giải pháp ứng dụng tổng hợp kỹ thuật để sản xuất mận Rubi và điều khiển ra quả trái vụ, rải vụ thu hoạch đối với cây mận hậu tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 8, năm 2022 đã và đang được ứng dụng và nhân diện rộng, mang lại hiệu quả tích cực cho người trồng mận.

Nhân dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu thu hái mận.

Nhân dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu thu hái mận.

Chị Lưu Thanh Nga, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, đại diện nhóm đề tài, cho biết: Những năm qua, các hộ dân áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế và giá trị thương mại của cây mận không cao, do thời gian ra quả tập trung. Thời vụ thu hoạch ngắn chỉ trong khoảng 45 ngày, đầu vụ giá mận từ 30.000-40.000 đồng/kg, giữa vụ 15.000-20.000 đồng/kg, chính vụ chỉ còn từ 5.000-10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mận trái vụ từ 120.000-150.000đồng/kg.

Từ thực tế trên, mục đích của giải pháp là dựa trên đặc điểm sinh học của cây mận để xử lý điều khiển quá trình ra hoa, đậu quả trái vụ và kéo dài thời gian ra quả, thời gian quả chín và thu hoạch, giảm sức ép về nhân công thu hái và giá bán, do bán vào thời gian trái vụ. Đồng thời giải pháp cũng hướng đến khai thác tối đa lợi thế sản vật địa phương, canh tác an toàn bền vững, nâng cao giá trị cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Sản xuất mận Rubi được thực hiện trên những cây mận hậu Sơn La được tuyển chọn từ những cây mận cổ được trồng cách xa nhau để cây có không gian “thở” và có thể hứng trọn ánh nắng mặt trời. Để có những trái mận chất lượng, quá trình sản xuất phải tỉa đi 30-50% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những quả ngon nhất ở đầu cành. Bên cạnh đó, sản xuất mận Rubi tập trung vào kỹ thuật điều khiển quả ra tại vị trí thân, cành cấp 1; từ đó, quả to hơn, hình thức mẫu mã quả và chất lượng cao hơn so với quả ra ở cành cấp 4, cấp 5. Đồng thời, kết hợp tổng hợp các biện pháp kỹ thuật về cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước, khoanh gốc để chăm sóc và tạo màu cho quả.

Việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất, giúp giữ độ ẩm đất, không gây úng cục bộ, như tưới tràn, giúp bộ rễ cây phát triển khỏe; phân bón được hòa với nước theo liều lượng định sẵn, đưa vào hệ thống đường ống tưới, phân phối đều tới các cây, hạn chế bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng. Nhờ đó, tiết kiệm 50% lượng nước, điện năng tiêu thụ và công lao động so với trước đây. Ngoài ra, có thể điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây.

Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La, đánh giá: Sản phẩm mận Rubi có kích thước quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, đáp ứng tiêu chí tiêu thụ của các thị trường siêu thị cao cấp, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Từ 15-20 quả đạt trọng lượng 1kg; kích cỡ quả tăng 30-50%; chất lượng độ Brix đạt trên 10%, cao hơn so với thông thường 2%, tạo được thương hiệu “Mận Rubi” của Sơn La trên thị trường tiêu thụ. Hiện nay, mận Rubi đã được đưa vào các siêu thị lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội. Mận Rubi đạt hiệu quả kinh tế cao, với tổng thu đạt 490 triệu đồng/ha, thu lãi khoảng 420 triệu đồng. Trong khi đó, sản xuất mận thông thường của người dân mặc dù chi phí đầu tư thấp hơn, nhưng thu nhập chỉ đạt 335 triệu đồng, lãi còn khoảng 281 triệu đồng/ha. Như vậy, sản xuất mận Rubi cho hiệu quả kinh tế cao hơn gần 140 triệu đồng/ha. Giải pháp áp dụng trên 15ha, tăng thêm thu nhập trên 2 tỷ đồng. Việc áp dụng mở rộng giải pháp, tăng thêm thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

HTX Noong Phiêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, là đơn vị áp dụng giải pháp kỹ thuật nói trên. Thành lập năm 2020, HTX có 11 thành viên, quy mô sản xuất 52,5 mận hậu, trong đó, 30,5 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu EU, New Zeland, Hoa Kỳ.

Chị Bùi Phương Thanh, Giám đốc HTX, cho biết: Đến nay, HTX đã liên kết sản xuất hơn 90 ha, nâng tổng diện tích được quy hoạch trong “Vùng sản xuất mận hậu công nghệ cao” lên 150ha. Trước khi áp dụng giải pháp này, cây mận trồng theo phương pháp canh tác tự nhiên, không tỉa cành, chỉ bón phân NPK 2 lần/vụ; sản lượng đạt 80-100 kg/cây, bán với giá 5.000 đồng/kg. Khi áp dụng kỹ thuật canh tác mận Rubi, mận được cắt tỉa cành, tưới nước, bón phân theo từng giai đoạn phát triển của cây; sản lượng đạt từ 60-80kg/cây, có giá trung bình là 35.000 đồng/kg.

Lý giải việc khi áp dụng giải pháp thì sản lượng giảm, chị Bùi Phương Thanh cho biết: Giải pháp này phải tỉa cành (giảm tán), tỉa quả để lấy chất lượng, nhưng bù lại giá thành cao, thu nhập cao gấp 8-10 lần. Loại Supper VIP (khoảng 12 quả/kg) bán tại vườn có giá 90.000 đồng/kg, bán lẻ giao động từ 160.000 -180.000 đồng/kg. Vụ mận năm nay, doanh thu của HTX đạt trên 3 tỷ đồng. Điển hình có thành viên Bùi Văn Quảng, bản Kim Chung 1 và Nguyễn Văn Cải, bản Hang Mon 3, mỗi thành viên có 12 ha mận, mỗi vụ có thu nhập từ 600-800 triệu đồng/ thành viên.

Hiện nay, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu có 4 HTX trồng mận và đã ứng dụng giải pháp. Các HTX không áp dụng toàn bộ diện tích, mà lựa chọn vùng trồng mận hiệu quả nhất để sản xuất, tạo ra sản phẩm hướng tới thị trường cao cấp. Sau này khi thị trường cao cấp được mở rộng thì việc áp dụng kỹ thuật mới sẽ từng bước nhân rộng theo thị trường.

Việc ứng dụng tổng hợp kỹ thuật để sản xuất mận Rubi và điều khiển ra quả trái vụ, rải vụ thu hoạch đối với cây mận hậu tại xã Phiêng Khoài đang hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất có tính bền vững. Do rải vụ thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài nên giảm sức ép về nhân công lao động mùa vụ, khắc phục nỗi lo được mùa mất giá, tạo tâm lý yên tâm sản xuất lâu dài bền vững. Đây là hướng đi có tính ổn định, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm mận hậu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Bài, ảnh: Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/ban-can-biet/hieu-qua-ung-dung-ky-thuat-san-xuat-man-rubi-j7UR1n3Vg.html