Hiệu quả ứng dụng máy cấy trong sản xuất nông nghiệp
Ngoài chuyển đổi giống lúa đạt chất lượng cao thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất lúa. Đặc biệt việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa được xem là vấn đề then chốt, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nhà nông, nhất là vào giai đoạn chuẩn bị gieo sạ, việc ứng dụng máy cấy lúa của nông dân đã giảm nhân công lao động, giảm dịch bệnh trên lúa trong quá trình sinh trưởng.
Ứng dụng máy cấy giúp giảm lượng giống gieo sạ. Phương pháp gieo trồng này còn tạo tiền đề giúp giảm sâu bệnh. Qua đó, nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 2 đến 3 lần/vụ, chủ yếu là nhóm thuốc trừ sâu, rầy hại lúa. Ngoài ra, lúa thu hoạch từ ruộng gieo trồng bằng phương pháp cấy có độ đồng đều cao hơn phương pháp sạ lan và cấy. Từ thực tế của các mô hình ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa do các ngành chuyên môn triển khai thực hiện thí điểm tại một số địa phương, bà con nông dân đã đến tham quan các mô hình từ lúc cấy lúa cho đến khi thu hoạch lúa đã nhận ra lợi ích thiết thực từ chiếc máy cấy như: lúa tăng năng suất, giảm sâu hại… Từ đó, nhiều diện tích lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng máy cấy thay thế phương pháp gieo sạ truyền thống. Theo đó, tại xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) hơn 5 năm qua, nông dân ứng dụng máy cấy để sản xuất lúa. Thông qua việc sử dụng máy cấy, nhiều diện tích lúa đã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra, số lúa được doanh nghiệp thu mua phần lớn phân phối đến nông dân làm giống gieo sạ trên đồng ruộng tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đưa chúng tôi ra tham quan cánh đồng lúa của gia đình đang chuẩn bị làm đòng, anh Sơn Ngọc Thanh, ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) bộc bạch: “Tôi áp dụng sản xuất lúa bằng cách cấy lúa đã hơn 10 năm qua. Trước đây khi chưa có chiếc máy cấy thì toàn bộ diện tích đất lúa của gia đình được cấy bằng tay, khi cấy tay tốn nhiều công sức, phải chuẩn bị phần đất riêng biệt và làm đất thật kỹ để gieo sạ lúa làm mạ, đợi mạ lớn tìm thuê người đến cấy. Theo đó, lao động khan hiếm, khó khăn trong việc tìm người cấy lúa nên đẩy giá cấy lên 600.000 - 650.000 đồng/công, kèm theo đó cấy tay tốn nhiều thời gian, bởi gần cả ngày 2 lao động mới cấy xong 1.000m2. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây có chiếc máy cấy đã giúp nông dân chúng tôi giải quyết được nhu cầu cấy lúa khi mùa vụ tới. Qua 4 năm ứng dụng máy cấy lúa cho đồng ruộng, thực tế khi cấy lúa, giảm 30% phân bón, giảm 2 - 3 lần phun thuốc phòng trừ dịch bệnh trên lúa, giảm lượng giống gieo sạ 7kg/công, năng suất lúa tăng 100kg/công…”.
Anh Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 80 chiếc máy cấy, trong đó loại máy 4 bánh là 8 chiếc, loại máy 2 bánh là 72 chiếc; mức độ cơ giới hóa khâu gieo cấy khoảng 34.573ha, đạt hơn 10% tổng diện tích sản xuất lúa. Để giảm chi phí, giảm hạt giống gieo sạ, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng", vì Dự án này đã triển khai hiệu quả ở một số tỉnh ĐBSCL. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2022. Trong năm 2020, đơn vị triển khai xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên), với diện tích 110ha/43 hộ trong vụ lúa Đông - Xuân (2020 - 2021) và hiện tại diện tích lúa trong mô hình đang giai đoạn chuẩn bị làm đòng cho đến trổ chín, với giống lúa cấy là ST24, ST25".
Qua thực tế triển khai mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy đã góp phần tăng năng suất lao động trên 50% so với cấy truyền thống, giảm tối thiểu 1/2 lượng hạt giống so với phương pháp gieo sạ truyền thống và hiệu quả kinh tế tăng trên 20%. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa giúp nông dân tăng thu nhập và hình thành các tổ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh…